Sẽ xây dựng Hiệp định hợp tác thương mại mua bán than Việt Nam - Lào
Sáng 27/8/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, các đơn vị chức năng của Bộ về việc hợp tác mua bán than với Lào.
Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng: Vụ Dầu khí và Than, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Văn phòng Bộ cùng đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đông Bắc...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nhất là trong lĩnh vực than và triển khai kết quả Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Lào, tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực than.
Bản ghi nhớ có thời hạn hiệu lực trong 5 năm, với nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực than, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi Bên; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực và thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than. Bản ghi nhớ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại than giữa các doanh nghiệp hai nước.
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Việt Nam sẽ cần khoảng 84 triệu tấn than cho sản xuất điện vào năm 2030, tăng khoảng 8 triệu tấn so với năm 2024. Đến năm 2040, nhu cầu than cho sản xuất điện khoảng 53 triệu tấn, giảm khoảng 21 triệu tấn so với nhu cầu năm 2024 do chuyển dịch năng lượng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khi đó, sản lượng than khai thác trong nước gần như không thay đổi so với hiện nay, cụ thể: giai đoạn 2025-2030 đạt khoảng 44-47 triệu tấn/năm; đến năm 2040 khoảng 40 triệu tấn/năm.
Điều này cho thấy nhu cầu than của Việt Nam là rất lớn.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), thời gian qua, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện và các đơn vị liên quan xem xét việc mua than của Lào cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu hiệu quả.
Dù vậy, để đạt được mục tiêu mà biên bản ghi nhớ đề ra là xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi Bên, còn nhiều khó khăn, thách thức, tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế; chi phí vận chuyển cao dẫn đến giá than nhập khẩu từ Lào cao, không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác…
Thời gian tới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc hợp tác thương mại than giữa Việt Nam và Lào theo tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các đơn vị nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động hợp tác thương mại với Lào, trong đó có việc xây dựng Hiệp định hợp tác thương mại mua bán than với Lào.
Để có cơ sở xây dựng Hiệp định hợp tác nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị chức năng trong Bộ cũng như các Tập đoàn, Tổng Công ty có báo cáo đánh giá toàn diện về nhu cầu mua bán than giữa hai nước và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện được thuận lợi, đúng quy định. Nội dung Hiệp định tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: sản lượng nhập khẩu có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực thế; phương thức mua bán, phân bổ số lượng nhập khẩu than từ Lào cho các Tập đoàn, Tổng công ty đầu mối.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Vụ Dầu khí và Than - đơn vị đầu mối chủ trì khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan để sớm hoàn thiện Dự thảo Hiệp định trình Chính phủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao.