Sẽ xử lý những người kinh doanh mại điện tử không nộp thuế
Tại cuộc họp báo chuyên đề thông tin về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2020 do Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội, vấn đề liên quan đến công tác quản lý thuế trong kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã nhận được sự quan tâm của báo giới.
Trả lời phóng viên về công tác quản lý thuế trong kinh doanh TMĐT, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, tình hình kinh doanh TMĐT diễn biến phức tạp, phù hợp với xu hướng trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 cũng hình thành thói quen mua bán hàng qua lĩnh vực TMĐT, trong đó, hoạt động TMĐT chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 2 địa bàn có nền công nghệ thông tin phát triển.
“Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho người nộp thuế hiểu và và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ. Riêng năm 2017, ngành Thuế đã gửi 13.000 tin nhắn tới người nộp thuế, đồng thời kết hợp, yêu cầu 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để ngành Thuế có cơ sở dữ liệu quản lý thuế”, ông Cường cho hay.
Cùng với đó, thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh việc truy thu những người kinh doanh trên hệ thống TMĐT, trong đó đặc biệt là Youtube, Google và Facebook… Hiện, ngành thuế đã rà soát số liệu từ nhiều nơi, số thu của các cá nhân liên quan cũng khá lớn và số tiền truy thu cũng không nhỏ. Theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức cá nhân đã nhận được số tiền từ Google và Facebook, Youtube là 1.462 tỷ đồng.
Theo đó, ngành thuế đã trực tiếp hướng dẫn kê khai nộp thuế và số tiền truy thu thuế 13,9 tỷ đồng. Theo ông Cường, một số vụ việc điển hình, trường hợp cá nhân tên Trần Đức Phương nhận thu nhập từ Google hơn 41 tỷ đồng, Tổng cục Thuế đã mời người này lên làm việc và số tiền truy thu thuế, tiền phạt là hơn 4 tỷ đồng.
Liên quan tới dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet Netflix, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải có lưu trữ dữ liệu tại đây, có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế.
“Với Netflix, chúng tôi đã phối hợp với Cục phòng chống rửa tiền, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thống kê mấy năm qua có bao nhiêu tiền thuế để truy thu. Lãnh đạo Netflix cũng đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để triển khai các bước đặt văn phòng dữ liệu tại Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ thuế”, ông Cường cho biết thêm.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, thời gian qua số tiền thuế mà người dân kinh doanh qua TMĐT chủ động kê khai nộp nhiều hơn. Ngoài kinh doanh bán hàng online, hoạt động kinh doanh cho thuê nhà thông qua các ứng dụng điện tử cũng có đóng góp thuế khá lớn. Trong 8 tháng năm 2020, cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế xác định có 5.000 tỷ đồng doanh thu từ các loại hình nói trên, trong đó số thuế phải thu khoảng 93 tỷ đồng.
Ông Cường cho biết, hiện hoạt động TMĐT chia ra làm 3 mảng chính: Cá nhân bán hàng qua mạng Facebook, Youtube, Tổng cục Thuế xác định có cá nhân bán hàng qua mạng có một số cá nhân có cửa hàng và có kê khai thuế rồi, nhưng một số sử dụng TMĐT để chuyên doanh. Do vậy, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra kiểm tra. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm soát thuế, phối hợp với Công an phường xã xác minh kịp thời. Đối với những hoạt động mang tính lớn, đặc thù, ngành Thuế sẽ phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an để kịp thời xử lý đúng pháp luật.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo CAND liên quan đến vụ kiểm tra 100 xe hàng tại Lào Cai, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, vụ việc do Cục Điều tra chống buôn lậu và Văn phòng Thường trực 389 quốc gia chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), Bộ Công an, lực lượng Biên phòng tiến hành kiểm tra 100 phương tiện vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Kim Thành đã quá hạn làm thủ tục hải quan.
Kết quả khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa trong 100 phương tiện, tương đương với hàng hóa đóng trong 200 container 40 feet. Hàng hóa vi phạm gồm hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, quần áo đã qua sử dụng, thuốc bắc, thuốc trừ sâu, đồ điện tử đã qua sử dụng. Toàn bộ hàng hóa vi phạm, lực lượng chức năng đang chờ kết quả giám định của cơ quan chuyên môn để xử lý theo quy định.