SEA Games 31, cú hích để kinh tế và du lịch tăng tốc

SEA Games 31 thu hút lượng khách quốc tế chưa được như kỳ vọng nhưng con số gần 60.000 lượt khách rất đáng mừng.

SEA Games 31 đã khép lại sau 17 ngày tranh tài (6.5 – 22.5) của hơn 10.000 vận động viên (VĐV) và khách mời thuộc 11 quốc gia trong khối ASEAN. Chưa kể lực lượng giám sát, trọng tài, nhà báo đa quốc gia. Ước tính khoảng gần 60.000 lượt khách nước ngoài tham gia cổ vũ các cuộc tranh tài và du lịch tại những địa phương đăng cai.

Hơn 2 năm, dịch bệnh hoành hành, tàn phá nặng nề kinh tế thế giới. Các hoạt động du lịch, thể thao “đứng hình” vì giãn cách và phong tỏa. Đã có không ít lo lắng vì dịch bệnh lên xuống thất thường. Thậm chí, có cả hồi hộp vì SEA Games 31 được tổ chức ngay sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 – thời điểm dịch bệnh có thể bùng phát.

SEA Games 31 gồm 40 môn thể thao, thi đấu tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Quang Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc với tổng cộng 526 nội dung, tương đương 526 bộ huy chương. Có thể nói, đây là kỳ SEA Games thành công nhất suốt các kỳ đại hội, kể từ năm 1959.

Bảng tổng kết huy chương Sea Games 31, Việt Nam dẫn đầu với lượng huy chương

Việt Nam dẫn đầu các nước với 205 huy chương vàng (HCV), hơn gấp đôi Thái Lan, xếp thứ 2 với 92 HCV - vượt xa mức đăng ký ban đầu là 140 HCV. Việt Nam cũng phá kỷ lục quốc gia giành nhiều HCV nhất trong lịch sử SEA Games của Indonesia tại kỳ SEA Games 19 năm 1997 ở Jarkarta với 197 HCV.

Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 rất đáng tự hào, làm ngạc nhiên cả người dân lẫn bạn bè quốc tế. Thành công nhất, ấn tượng nhất không phải ở lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng, thuần Việt, truyền thống mà hiện đại, đầy tính nhân văn; ở lực lượng tình nguyện viên nhiệt thành, đáng yêu. Cũng không phải ở lượng HCV áp đảo, mà ở khán giả.

Điều bất ngờ, làm ngạc nhiên tất cả là số lượng đông đảo người dân lẫn du khách đến cổ vũ các cuộc tranh tài một cách thân thiện, vô tư và cuồng nhiệt. Đặc biệt là các bộ môn bóng đá, từ vòng loại, dù không có đội chủ nhà. Điều này được minh chứng qua đánh giá của trưởng đoàn thể thao các nước, cả đội tuyển chiến thắng lẫn thất bại. Bất ngờ từ Ban tổ chức đến VĐV. Ngay khán giả cũng không ngờ lượng người cổ vũ đông vui như vậy.

Người Việt, lần đầu tiên, trong một sự kiện quốc tế lớn của khu vực tại quê nhà đã ghi “điểm vàng” trong mắt thế giới và quảng bá tuyệt vời cho du lịch Việt Nam. Lượng khách quốc tế đến SEA Games 31 dù chưa được như kỳ vọng nhưng con số gần 60.000 lượt khách rất đáng mừng. Con số này gấp đôi dịp lễ 30.4 – 1.5.2022 và gấp đến gần 1.300 lần so với dịp Tết Nhâm Dần (chỉ 467 khách).

Đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam

Dẫu vẫn còn những thiếu sót nhất định về công tác tổ chức. Dẫu rằng việc phân bổ HCV của đoàn Việt Nam có những bộ môn bất cập. Vẫn còn nhiều băn khoăn về lực lượng VĐV kế thừa và sự hụt hẫng thành tích khi các ngôi sao rời cuộc vì chấn thương, tuổi tác, kể cả sinh kế...

Thành tích vượt bậc của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 không hẳn bởi những “kỹ xảo” hợp pháp của nước chủ nhà mà còn nhờ người hâm mộ, bao gồm cả người thân của các VĐV. Không chỉ trên các sân đấu mà cả trên màn hình tivi, điện thoại và sóng phát thanh, cả tin nhắn lẫn bình luận ý kiến. Gần như cả nước, từ thành thị đến thôn quê, khắp hang cùng ngõ hẻm. Tất cả đã tiếp lửa để các VĐV nỗ lực hết mình vì màu cờ tổ quốc.

Sự có mặt của người nhà trên các sân đấu càng tăng thêm sức mạnh để các VĐV vượt qua chính mình, có điểm rơi phong độ tốt và giành thành tích cao. Huy chương nào cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả thương tích. Hình ảnh những giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc của người nhà lẫn VĐV đẹp lung linh. Kể cả những giọt nước mắt vì thất bại cũng đáng trân trọng. Có VĐV điền kinh giành HCV đã làm quà cầu hôn bạn gái ngay tại sân Mỹ Đình tối 15.5.2022.

“Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai?” (Phan Bội Châu 1976 – 1940). Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh hào quang là những tấm gương đầy nghị lực, khổ luyện, nỗ lực hết mình và rất đời thường. Dĩ nhiên, nhiều lúc cần một chút may mắn, nhất là các cuộc tranh tài mang tính tập thể. Không có huy chương thật nào cho sự dễ dãi, lười biếng và ảo tưởng. Rất cần có ấn bản các loại về đời thường đằng sau những tấm huy chương để phổ biến rộng rãi, truyền lửa cho mọi người, nhất là lớp trẻ.

Cảm động biết bao hình ảnh VĐV điền kinh Felisberto de Deus của Timor Lester được chào đón như người hùng tại lễ mừng công ở quê nhà. Trong buổi lễ, anh trân trọng mang theo những món quà kỷ niệm đáng nhớ từ Việt Nam. Sau khi cán đích, anh nắm tay ăn mừng cùng 2 VĐV chủ nhà là Nguyễn Văn Lai và Lê Văn Thao với lá cờ Timor Leste trên vai và tay cầm lá cờ Việt Nam để chung vui với các CĐV nước chủ nhà đang có mặt tại sân Mỹ Đình.

VĐV điền kinh Felisberto de Deus của Timor Lester đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người hâm mộ Việt Nam

Trong số hơn 60.000 lượt khách nước ngoài đến SEA Games 31, không ít người lần đầu tới Việt Nam và ngạc nhiên về nhiều thứ. Chắc chắn, rất nhiều người trong số đó sẽ trở lại Việt Nam sau SEA Games 31 để có những trải nghiệm thú vị hơn.

Thiết nghĩ, Tổng cục Du lịch nên mở đợt khuyến mại “Ngạc nhiên Việt Nam”, ưu tiên cho gia đình các thành viên nước ngoài tham gia SEA Games 31 nhưng chưa có đủ thời gian khám phá Việt Nam.

Tạo được thành tích và ấn tượng đã khó. Giữ và phát huy được những điều đó vào phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng càng khó hơn. Nếu du lịch và các ngành khách đều nỗ lực hết mình, “chiến đấu” hết sức như các VĐV thể thao thì kinh tế và du lịch Việt Nam sẽ tăng tốc, cạnh tranh sòng phẳng vị trí đầu bảng ASEAN.

Nếu người dân Việt đều cuồng nhiệt, thân thiện, hiếu khách và đáng yêu như khi xem thi đấu thể thao thì du lịch Việt Nam sẽ bứt phá ngoạn mục. Sẽ không còn cảnh chặt chém, trấn lột du khách hay quán tù, dịch vụ lừa đảo. Sẽ không còn cảnh cạnh tranh phá giá, phù phép chất lượng, chơi xấu lẫn nhau giữa các doanh nghiệp vì du lịch đã lên đời.

Tôi tin là tại SEA Games 32 sắp tới ở Campuchia, dù không còn lợi thế chủ nhà nhưng thể thao Việt Nam vẫn đủ sức giành vị trí quán quân lâu nay của người Thái. Thể thao đã làm được. Du lịch tại sao không? Cả hai ngành cùng chung Bộ chủ quản, cần có sự liên kết chặt chẽ để thúc đẩy và hỗ trợ nhau nhiều hơn.

Thể thao đã tiên phong, du lịch cần bám sát.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sea-games-31-cu-hich-de-kinh-te-va-du-lich-tang-toc-182320.html