SEA Games 31 khởi động khó khăn
Còn 14 tháng nữa SEA Games 31 sẽ chính thức diễn ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất vẫn đang khởi động chậm chạp.
Còn 14 tháng nữa SEA Games 31 sẽ chính thức diễn ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất vẫn đang khởi động chậm chạp.
Các dự án chậm tiến độ
Trong buổi làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo Tổng cục TDTT về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, một trong những vấn đề được quan tâm là tiến độ chuẩn bị cơ sở vật chất.
Theo báo cáo của ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 đang gặp một số khó khăn, trong đó vấn đề kinh phí chưa triển khai được nên việc tiến hành sửa chữa các công trình, địa điểm thi đấu cũng như việc xây dựng dự toán bị ảnh hưởng. Về các địa điểm thi đấu, Hà Nội và các địa phương đăng cai tổ chức các môn trong chương trình SEA Games 31 đều đã có sự chuẩn bị tích cực, tuy nhiên hiện nay các hệ thống văn bản đều chậm nên một số nội dung trong kế hoạch cũng bị chậm 3 tháng so với dự kiến ban đầu.
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là Sở VHTT Hà Nội đã có công văn chính thức gửi Tổng cục TDTT về việc xin không đăng cai một bảng của môn bóng đá nam tại SEA Games 31 và môn quần vợt. Lý do mà ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đưa ra trước truyền thông là việc sửa chữa sân Hàng Đẫy không đảm bảo thời gian kịp cho SEA Games 31.
Sân vận động Hàng Đẫy do UBND thành phố Hà Nội quản lý. Cuối năm 2016, Hà Nội đã quyết định giao sân Hàng Đẫy cho Câu lạc bộ Hà Nội vận hành, quản lý và sử dụng.
Năm 2018, bầu Hiển công bố, Tập đoàn T&T đã cùng với đối tác là Tập đoàn Bouygues (Pháp) ký kết hợp tác xây mới SVĐ Hàng Đẫy trị giá 250 triệu EUR. Theo kế hoạch, cuối năm 2018, dự án sẽ được khởi công. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn án binh bất động.
Theo đề án, kinh phí tổ chức dự kiến cho SEA Games 31 là 980,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách chi hơn 600 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 4 cụm công trình phục vụ SEA Games 31 là: sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, trường bắn Nhổn và đường đua xe đạp tại Hòa Bình. Trong khi đó, toàn bộ chi phí cải tạo, sửa chữa sân vận động, nhà thi đấu ở các địa phương đăng cai là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... sẽ do các tỉnh, thành tự lo liệu. Hà Nội có 20 công trình phục vụ SEA Games 31, trong đó có 8 công trình do Sở VHTT quản lý, 12 công trình do các quận huyện chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh: “Tổng cục TDTT cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 31, trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Theo đó, kế hoạch cụ thể của từng việc cần phải rà soát lại kỹ lưỡng để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trong các sự kiện mà Thể thao Việt Nam hướng tới, SEA Games 31 được xác định là mục tiêu chính. Thời gian chuẩn bị cho SEA Games 31 không còn nhiều và cần phải tập trung đầu tư chuẩn bị tốt nhất vào những môn thể thao Olympic, đặc biệt là các môn như Bóng đá, Bơi lội và Điền kinh”.
Chưa chốt linh vật, logo cho SEA Games 31
Theo kế hoạch, thời gian tổ chức cuộc họp lần thứ Nhất của Ban tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 29-9 tới. Về biểu trưng, biểu tượng vui căn cứ theo kết quả cuộc thi và thực hiện theo đúng điều lệ. Đây cũng là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Hồi tháng 8-2019, Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam công bố cuộc thi sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui, bài hát và khẩu hiệu của SEA Games 31. Mới đây, căn cứ vào kết quả cuộc thi, sao la đã giành chiến thắng và nhiều khả năng sẽ được chọn làm linh vật chính thức. Logo dự kiến lựa chọn là "Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V”. Đây là mẫu biểu trưng đảm bảo được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa. Trước đó, 3 linh vật lọt vào chung khảo cuộc thi là: sao la, nghê cười và hổ. Hàng loạt tranh cãi đã được đưa ra về ý nghĩa cũng như tính thẩm mỹ của từng linh vật này.
Bài hát tựa đề "Cùng khắc tên mình vào núi sông" của tác giả Lê Xuân Đức, do ca sĩ Quang Dũng trình bày đã được hội đồng giám khảo đánh giá có chất lượng tốt nhất trong các tác phẩm tham gia cuộc thi. Năm 2003, bài hát của SEA Games lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam là ca khúc "Vì một thế giới ngày mai" của nhạc sĩ Quang Vinh thời điểm đó đã gây tiếng vang, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết các tác phẩm được giải trong cuộc thi vẫn cần được phê duyệt thông qua để trở thành biểu trưng, biểu tượng vui, bài hát và khẩu hiệu chính thức của SEA Games 31.
Công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 đã được khởi động, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục vẫn còn khá ngổn ngang.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/144_231952_sea-games-31-kho-i-do-ng-kho-khan.aspx