SEA Games 31: 'Vua' vẫn là 'vua'!

Cũng như Olympic, Asiad, tấm HCV bóng đá SEA Games luôn có giá trị đặc biệt, được coi là danh giá nhất. Không phải chỉ vì đây là môn thi đấu tập thể, công sức của một đội tuyển đông đảo nhất, mà còn vì vị trí đặc biệt của môn thể thao vua trong tình cảm người hâm mộ ở hầu hết các quốc gia.

Bóng đá nam là môn duy nhất của SEA Games 31 bán vé, thế mà khán giả phải thức xuyên đêm để được trả tiền

Bóng đá nam là môn duy nhất của SEA Games 31 bán vé, thế mà khán giả phải thức xuyên đêm để được trả tiền

Trực tiếp chứng kiến sự tức giận của 100 ngàn khán giả trên SVĐ Seneyan (nay là Gelora Bung Karno) và sau đó biến thành cơn bạo loạn trên đường phố ở thủ đô Jakarta sau trận chung kết chủ nhà Indonesia thua Thái Lan ở trận chung kết SEA Games 1997 mới thấy hết điều này. Năm ấy, vị trí nhất toàn đoàn cùng 194 HCV (hơn đoàn thứ nhì Thái Lan tới 111 HCV, một chênh lệch… khủng khiếp) của nước chủ nhà bỗng chốc trở nên vô nghĩa, thay bằng nỗi buồn bao trùm. Dễ hiểu cho sự thất vọng của người Indonesia, tấm HCV bóng đá SEA Games thứ 2 và cuối cùng của họ đã cách đó 31 năm và đến nay sau 25 năm vẫn chưa một lần tìm được.

Nhưng khát khao cháy bỏng nhất là Việt Nam. Là nhà vô địch của kỳ Đại hội đầu tiên SEAP Games 1959 nhưng 7 lần vào chung kết (tính cả 2 kỳ SEAP Games 1967 và 1973 với đội tuyển miền Nam) đều là kẻ về nhì. Tôi còn nhớ như in, trận chung kết SEA Games 2003, khi Phạm Văn Quyến có bàn gỡ hòa 1-1 ở phút bù giờ 90+1, sân Mỹ Đình như một “hỏa diệm sơn”, chưa bao giờ HCV gần đến vậy. Nhưng rồi như một “định mệnh”, ở hiệp phụ, phút 90+6, chúng ta lại không thể bước qua “lời nguyền” mang tên Thái Lan. Tuy nhiên, danh thủ Văn Sỹ Hùng bá vai nói như hét vào tai tôi: “Lứa này hay lắm anh ạ, kỳ sau mình sẽ có vàng!”. Thế mà phải chờ 16 năm sau, với thêm 2 lần vào chung kết, bóng đá Việt Nam mới hoàn thành giấc mơ vàng. Tròn 6 thập kỷ!

Đến như Thái Lan với 16 lần vô địch trong 30 kỳ đại hội (trong đó có 8 lần liên tiếp từ năm 1993-2007), đã có lúc từng nghĩ gác SEA Games để hướng đến mục tiêu cao hơn, nhưng chỉ 3 kỳ mất HCV gần đây, nhất là tại Philippines 2019 không vượt qua vòng bảng, chứng kiến Việt Nam lần đầu đăng quang, đã lập tức “máu” trở lại.

Ngay Malaysia, dù tại SEA Games 31 này không được đánh giá cao nhưng Bộ trưởng Thể thao và thanh niên nước này vẫn giao nhiệm vụ: “Phải có huy chương ở môn bóng đá, vì đây là môn thể thao chủ chốt nhất. Thành tích của đoàn thể thao Malaysia sẽ trọn vẹn nếu có huy chương bóng đá”. Còn báo chí Malaysia thì gọi huy chương bóng đá nam là “Mẹ của tất cả huy chương” ở SEA Games.

24 giờ nữa, bóng đá nam sẽ phát pháo SEA Games 31, mà chủ nhà Việt Nam sẽ có nhiệm vụ lần đầu tiên bảo vệ tấm HCV.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202205/sea-games-31-vua-van-la-vua-3114656/