SEA Games phải là bước đệm cho Asiad, Olympic
Như đã nói, SEA Games 30 là kỳ đại hội khu vực ở nước ngoài thành công nhất trong lịch sử của thể thao Việt Nam (TTVN), cả về vị trí (thứ nhì, lần đầu tiên qua mặt Thái Lan) và số lượng kỷ lục huy chương.
Tuy nhiên cả 5 ngôi vô địch Asiad 2018 đều không có tên trên bảng vàng thành tích tại Philippines. Trong đó có nguyên nhân khách quan do nước chủ nhà không tổ chức pencak silat và đua thuyền rowing (2 môn mà TTVN giành 3 HCV Asiad năm ngoái), còn 2 tấm HCV điền kinh thì nhà vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo không tham dự, Quách Thị Lan “mất vàng” 400m rào nữ về tay đồng đội Nguyễn Thị Huyền.
Giành tới 288 huy chương, trong đó có 98 HCV, song các VĐV chúng ta chỉ thiết lập được 5 kỷ lục SEA Games mới: Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi 400m và 1.500m tự do nam, Trần Hưng Nguyên 400m hỗn hợp nam, Nguyễn Thị Oanh chạy 3.000m vượt chướng ngại vật và lực sĩ cử tạ Lại Gia Thành ở hạng cân 55kg nam. Tỷ lệ số lượng HCV các môn Olympic chiếm khoảng 60% không cao hơn so với các kỳ đại hội gần đây và cũng rất ít thành tích tiệm cận châu lục. Chuẩn A Olympic của kình ngư Huy Hoàng ở 1.500m nam là điểm sáng duy nhất. Nói một cách khác, lượng tăng nhưng chất chưa tăng.
Ngoài ra việc đưa ra con số dự báo chỉ tiêu quá thấp, 65-70 HCV, cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Thực tế ngay cả khi giành được 70 HCV, Việt Nam cũng bật ra khỏi tốp 3 sau Philippines (149 HCV), Thái Lan (92) và cả Indonesia (72 HCV). Phải chăng do công tác đánh giá chưa tốt hay đây là tâm lý “đăng ký an toàn” từ các đội tuyển cho đến Tổng cục TDTT?
Thành công là điều rất đáng vui mừng, khen ngợi vì đó là công sức, mồ hôi và cả máu của các VĐV, HLV nhưng TTVN cần xác định rõ mục tiêu ở đấu trường SEA Games là bước đệm, bệ phóng tới Asiad, Olympic.