SeABank được The Banker xếp hạng trong 'Top 1.000 Ngân hàng thế giới 2022'
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) vừa được The Banker xếp hạng trong 'Top 1.000 Ngân hàng thế giới 2022' (Top 1.000 World Banks 2022).
“The Banker” là tạp chí uy tín thế giới do Thời báo The Financial Times của Anh sáng lập từ năm 1926 và được công nhận là tạp chí thu hút nhiều độc giả nhất trong lĩnh vực ngân hàng. Tạp chí chuyên cung cấp thông tin thời sự về các sự kiện, tình hình kinh tế tài chính cũng như đưa ra phân tích, báo cáo, đánh giá khách quan và sâu sắc.
“Top 1.000 Ngân hàng thế giới” là bảng xếp hạng thường niên được The Banker bình chọn dựa trên số liệu vốn cấp 1 và các chỉ số, tỷ trọng về vốn, tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng trên thế giới.
Việc được bình chọn và xếp hạng trong “Top 1.000 Ngân hàng thế giới 2022” đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và những thành công trong việc hội nhập quốc tế của SeABank.
Hiện SeABank đang tập trung đẩy mạnh chiến lược “Hội tụ số” theo hướng số hóa sản phẩm dịch vụ và tích hợp nền tảng công nghệ hiện đại với hệ sinh thái, tăng cường hệ thống công nghệ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, đồng thời nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng tài sản của SeABank đạt 229.723 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng; Tổng thu thuần TOI đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng đạt 1.736 tỷ đồng; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%; Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 1,6%.
SeABank cũng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng và sẽ tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng như đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông.
Bên cạnh đó, SeABank được Moody’s xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1 trong 4 năm liên tiếp với triển vọng phát triển Tích cực.
Đồng thời, SeABank cũng được nhiều tổ chức tài chính hàng đầu thế giới tin tưởng hợp tác như: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cấp hạn mức tài trợ thương mại 30 triệu USD, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và 5 quỹ đầu tư quốc tế cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) cấp khoản vay 200 triệu USD…/.