Séc là thành viên thứ 24 ký Hiệp định Artemis để thám hiểm mặt trăng

Trong một buổi lễ được tổ chức tại Trụ sở NASA ở Washington ngày 3/5, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky thay mặt quốc gia ký Hiệp định Artemis cùng với Quản trị viên NASA Bill Nelson và đưa Séc trở thành quốc gia thứ 24 ký kết thỏa thuận quốc tế đưa ra các nguyên tắc cho việc thăm dò và phát triển mặt trăng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lipavsky cho rằng, Hiệp định Artemis sẽ cho phép hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia có cùng chí hướng và sẽ khởi động sự phát triển của sự hợp tác thể chế và công nghiệp trong cộng đồng Artemis.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lipavsky đã trình bày chi tiết về những thành công nghiên cứu khoa học vũ trụ mà Séc đã tiến hành như phát triển thiết bị cho trạm vũ trụ Cổng Mặt trăng quay quanh mặt trăng theo kế hoạch của NASA và Tàu đổ bộ hậu cần lớn của châu Âu sẽ có thể vận chuyển hàng tấn hàng hóa đến và đi từ mặt trăng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Séc Jan Lipavsky (trái) ký Hiệp định Artemis với sự chứng kiến của Quản trị viên NASA Bill Nelson. (Ảnh: Space.com)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Séc Jan Lipavsky (trái) ký Hiệp định Artemis với sự chứng kiến của Quản trị viên NASA Bill Nelson. (Ảnh: Space.com)

Ngoài ra, vào tháng 4/2023, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã tài trợ cho các nghiên cứu tại một số tổ chức nghiên cứu của Séc nhằm đánh giá tính khả thi của việc chế tạo tên lửa hạt nhân để thám hiểm không gian sâu.

Chứng kiến buổi lễ ký kết, Quản trị viên Bill Nelson của NASA đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế là một nền tảng để đạt được tiến bộ trong không gian cũng như củng cố các mối quan hệ ngoại giao.

Hiệp định Artemis được NASA và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra vào năm 2020 như một khuôn khổ không ràng buộc đưa ra các nguyên tắc chung cho hợp tác quốc tế hòa bình trong không gian. 8 quốc gia đầu tiên ký hiệp định là Mỹ, Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Italia, Luxembourg và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Danh sách hiện bao gồm tổng cộng 24 quốc gia.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều xem Hiệp định Artemis một cách tích cực. Một số quốc gia, bao gồm cả Nga và Trung Quốc đã lập luận rằng khuôn khổ này nghiêng về phía có lợi cho Mỹ.

Các quốc gia khác như Đức, Pháp và Ấn Độ cũng đã từ chối các hiệp định vì tin rằng các nguồn tài nguyên trong không gian nên nằm ngoài giới hạn cho việc sử dụng kinh tế của bất kỳ quốc gia nào./.

Nho Biền/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/sec-la-thanh-vien-thu-24-ky-hiep-dinh-artemis-de-tham-hiem-mat-trang-post1017900.vov