Seoul có thể chế tạo tên lửa vươn tới Bắc Kinh, làm gia tăng căng thẳng châu Á
Việc Mỹ dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng, khi quốc gia Đông Á này giành lại quyền tự chủ hoàn toàn về vũ khí phi hạt nhân sau nhiều năm, Wall Street Journal trích dẫn các chuyên gia cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP
Bài liên quan
Căng thẳng Mỹ-Trung, THAAD khiến doanh nghiệp Hàn Quốc ngại đầu tư vào Trung Quốc
Triều Tiên chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt hướng dẫn tầm bắn tên lửa
Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ hướng dẫn song phương về tên lửa
Hàn Quốc sẽ đứng về phía Mỹ để bảo vệ trật tự tự do
Trong những thập kỷ qua, Mỹ đã đưa ra những giới hạn nghiêm ngặt về tầm bắn và sức công phá của tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, nhưng những hạn chế gần đây đã được dỡ bỏ, làm dấy lên lo ngại về hậu quả khó lường.
Cuối tháng trước, chính quyền ông Biden đã dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng đối với chương trình tên lửa của Seoul, xóa bỏ giới hạn 800 km đối với tầm bắn tên lửa đạn đạo của nước này. Và, theo các chuyên gia, đó là một sự thay đổi chính sách đáng kể, vì tên lửa của Hàn Quốc về mặt lý thuyết có thể bay đủ xa để đánh trúng Bắc Kinh, Moscow và các nơi khác.
Các đồng minh được trang bị vũ khí tốt hơn sẽ hỗ trợ Washington, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh về Đài Loan và Biển Đông, đồng thời sẽ nâng cao lợi thế để Trung Quốc tham gia vào hoạt động ngoại giao của Triều Tiên, một nhà phân tích an ninh nói với tờ báo.
"Hàn Quốc đã có thể trực tiếp đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên", bà Oh Miyeon, giám đốc của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết. "Do đó, việc dỡ bỏ các hướng dẫn về tên lửa có ý nghĩa an ninh khu vực, vượt ra ngoài Bán đảo Triều Tiên".
Chuyên gia này lưu ý rằng sự thay đổi này diễn ra khi Triều Tiên đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân, trong khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây.
Trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện hôm thứ Năm (10/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng việc Triều Tiên tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
"Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực cùng với tham vọng có thể tấn công nước Mỹ", ông Austin nói.
Những lời của Bộ trưởng Quốc phòng đã được lặp lại trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc, Dương Khiết Trì. Ông Blinken nhấn mạnh sự cần thiết đối với sự hợp tác của Mỹ và Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giảm căng thẳng trong khu vực.
Triều Tiên gần đây bày tỏ lo ngại rằng việc dỡ bỏ các hướng dẫn về tên lửa do Mỹ áp đặt ở Hàn Quốc là bằng chứng rõ ràng về chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên và thúc đẩy chạy đua vũ trang cũng như gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo một bài báo đăng trên KCNA, việc loại bỏ giới hạn này là một hành động "rõ ràng có chủ ý và thù địch. Đây là bước mới nhất trong một loạt các bước của Mỹ nhằm sửa đổi các hướng dẫn về tên lửa, sau khi loại bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn và cho thấy rõ ai đứng sau sự leo thang căng thẳng trong khu vực".
"Mục tiêu của CHDCND Triều Tiên không phải là quân đội Hàn Quốc mà là Mỹ", ông Kim Myong Chol, tác giả bài báo nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Washington chỉ sử dụng Hàn Quốc để đạt được mục tiêu bá chủ của mình.
Vào tháng 4, chính quyền ông Biden đã công bố kết quả rà soát kéo dài nhiều tháng đối với chính sách về Triều Tiên, nói rằng cách tiếp cận mới của họ đối với Bình Nhưỡng kêu gọi các nỗ lực "hiệu chỉnh, thiết thực" nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các nỗ lực ngoại giao.
Trong cuộc gặp tại Washington vào cuối tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý chấm dứt các giới hạn về phạm vi bay đã có từ năm 1979, khi Hàn Quốc được cấp công nghệ của Mỹ để tạo ra tên lửa của riêng mình. Trước đó, tầm bắn cho phép của tên lửa Hàn Quốc đã được mở rộng từ 180 km lên 300 km và sau đó là 800 km sau hai lần sửa đổi vào năm 2001 và 2012.
Biện pháp này được thực hiện như một phần trong chiến lược của chính quyền Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh quân đội Mỹ đang rút khỏi Afghanistan và tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực.