Sếp DeepSeek là tỷ phú mới nhất của châu Á?

Với 84% cổ phần, nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng nhiều khả năng đã nằm trong hàng ngũ các ông trùm công nghệ giàu có nhất châu Á.

Năm 2023, CEO Liang Wenfeng đã thành lập công ty với một tầm nhìn đầy tham vọng: đổ tiền vào nghiên cứu chip AI và tập hợp một đội ngũ tinh nhuệ nhằm tạo ra sản phẩm AI Trung Quốc có thể đối đầu trực tiếp với OpenAI.

Tuy nhiên, có lẽ chính Liang cũng khó có thể ngờ rằng chưa đầy 2 năm sau, DeepSeek trở thành một cái tên quen thuộc trong giới công nghệ, với giá trị ước tính lên đến hàng tỷ USD.

Nhiều định giá khác nhau

Thông tin ban đầu cho rằng mô hình Deepseek R1 được phát triển với chi phí thấp, không cần đến các công nghệ tối tân.

Điều này khiến giới đầu tư hoang mang, dẫn đến sự mất giá của cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ. Sau thông tin này, thị trường chứng khoán Mỹ đã bốc hơi 1.000 tỷ USD do tâm lý hoảng sợ của giới đầu tư.

Dẫn nguồn từ 7 nhà sáng lập startup và chuyên gia về AI, Bloomberg cho rằng công ty Trung Quốc hiện được định giá từ khoảng 1-150 tỷ USD.

Với mức định giá trung bình này, giá trị của DeepSeek có thể sẽ rơi vào khoảng từ 2-30 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index, với 84% cổ phần, nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng nhiều khả năng sẽ gia nhập hàng ngũ các ông trùm công nghệ giàu có nhất châu Á.

 Dựa trên mọi định giá, nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng nhiều khả năng sẽ gia nhập hàng ngũ các ông trùm công nghệ giàu có nhất châu Á. Ảnh: VCG.

Dựa trên mọi định giá, nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng nhiều khả năng sẽ gia nhập hàng ngũ các ông trùm công nghệ giàu có nhất châu Á. Ảnh: VCG.

“Ngay cả khi sử dụng những giả định thận trọng, DeepSeek có thể dễ dàng đạt được mức định giá hàng tỷ USD chỉ với vài triệu USD doanh thu hiện tại. Đó là chưa tính đến tiềm năng tăng trưởng trong tương lai”, Rudina Seseri, người sáng lập và đối tác quản lý của Glasswing Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Boston cho biết.

Dựa trên các đối thủ như Anthropic và OpenAI, Seseri ước tính DeepSeek có giá trị ít nhất là 1 tỷ USD. Trong khi đó, Chanakya Ramdev, người sáng lập của Sweat Free Telecom, một công ty viễn thông có trụ sở tại Waterloo, Ontario đánh giá startup AI Trung Quốc hiện đã đạt mức định giá bằng một nửa so với con số 300 tỷ USD của OpenAI.

Ước tính đó, dù là một giá trị lệch khá lớn, sẽ giúp Liang sở hữu số cổ phần trị giá 126 tỷ USD, một khối tài sản vượt xa cả CEO Jensen Huang của Nvidia.

“Về cơ bản, việc đưa ra một câu trả lời thuyết phục là không thể vì đây là một công ty tư nhân, được tự tài trợ bằng lợi nhuận từ công ty giao dịch của chính người sáng lập”, Jeffrey Emanuel, người sáng lập và CEO của Pastel Network cho biết.

Theo Emanuel, giới chuyên gia cho đến nay hầu như không biết gì về cách DeepSeek được vốn hóa, chưa kể đến doanh thu và lợi nhuận hoạt động của công ty.

Thăng tiến thần tốc

Theo 168, Liang Wenfeng sinh năm 1980, tại Ngô Xuyên, Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 2002, ông được nhận vào Đại học Chiết Giang, chuyên ngành Kỹ thuật Thông tin Điện tử, thủ khoa ở Ngô Xuyên.

Liang thành lập DeepSeek vào năm 2023 như một nhánh phụ của bộ phận AI cho quỹ đầu tư lượng tử có tên Zhejiang High-Flyer Asset Management. Đây cũng là quỹ mà ông cùng hai kỹ sư khác từ Đại học Chiết Giang sáng lập.

 Liang thành lập DeepSeek vào năm 2023 như một nhánh phụ của bộ phận AI cho quỹ đầu tư lượng tử của mình. Ảnh: WSJ.

Liang thành lập DeepSeek vào năm 2023 như một nhánh phụ của bộ phận AI cho quỹ đầu tư lượng tử của mình. Ảnh: WSJ.

Theo Bloomberg, bộ ba này bắt đầu giao dịch khi còn là sinh viên trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngoài DeepSeek, Liang Wenfeng được cho là sở hữu 51% cổ phần của High-Flyer với giá trị 71 triệu USD, dựa trên phân tích so sánh của Bloomberg Billionaires Index.

DeepSeek bắt đầu gây chú ý khi ra mắt mã nguồn mở mô hình ngôn ngữ lớn có khả năng suy luận với chi phí rẻ hơn mức chung của ngành hồi giữa năm 2024. Hôm 20/1, DeepSeek R1 được giới thiệu, với điểm chuẩn vượt qua bản o1 trả phí từ OpenAI.

Theo TechCrunch, R1 vượt trội o1 của OpenAI trên các tiêu chuẩn đánh giá như AIME, MATH-500 và SWE-bench Verified. Đồng thời, một trong những mô hình của họ chỉ tốn 5,6 triệu USD, so với hàng trăm triệu USD mà các công ty hàng đầu của Mỹ phải chi để huấn luyện các mô hình của mình.

App này đã đạt trung bình 22,2 triệu người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) trong tháng 1/2025. Theo số liệu mới nhất từ Aicpb, DeepSeek hiện là ứng dụng AI phổ biến nhất đến từ Trung Quốc.

Trang chủ DeepSeek cũng ghi nhận 277,9 triệu lượt truy cập trong tháng 1, vượt qua cả phiên bản web của chatbot Gemini của Google.

Chatbot này vốn đạt 267,7 triệu lượt truy cập, theo dữ liệu từ SimilarWeb. Tuy nhiên, DeepSeek vẫn còn khoảng cách lớn so với ChatGPT của OpenAI với 3,8 tỷ lượt truy cập trong cùng kỳ.

 Chỉ trong 2 năm, DeepSeek đã trở thành tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Chỉ trong 2 năm, DeepSeek đã trở thành tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Thậm chí, sự bùng nổ quá nhanh của mô hình AI đã khiến DeepSeek bị cấm truy cập trên thiết bị chính phủ. Cụ thể, lo ngại về việc thu thập dữ liệu người dùng và nguy cơ rò rỉ thông tin, Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Năng lượng của Hàn Quốc đều đã chặn quyền truy cập vào DeepSeek trên các thiết bị làm việc của công chức

Công ty điện lực nhà nước Korea Hydro & Nuclear Power cũng thực hiện động thái tương tự từ đầu tháng 2.

Trong khi đó, Nhiều chính phủ trên thế giới như Australia, Italy, Đài Loan đều đã cấm DeepSeek khỏi các thiết bị chính phủ.

Mỹ cũng đang xem xét các biện pháp tương tự, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về cách mà startup AI Trung Quốc này thu thập và xử lý dữ liệu người dùng.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/sep-deepseek-la-ty-phu-moi-nhat-cua-chau-a-post1530672.html