Sếp ngân hàng, chức danh ngoài ngân hàng và sự lựa chọn
Thực tế hiện nay, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng thuộc nhóm Ngân hàng Thương mại Cổ phần đều đang kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại một hay nhiều doanh nghiệp bên ngoài. Thực tế này có nguyên nhân sâu xa từ lịch sử hình thành của các ngân hàng thương mại cổ phần…
Với tỷ lệ tán thành 88,8%, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Bên cạnh những điểm riêng biệt lần đầu tiên được đề cập như cho phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt như là 1 trong 5 phương án để tái cơ cấu với nhóm này, thì một điểm nữa cũng thu hút sự quan tâm của dư luận nói chung và giới ngân hàng nói riêng, đó là quy định về chức danh của lãnh đạo ngân hàng.
Theo đó, từ ngày 15/1/2018, Luật các TCTD sẽ được bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34 như sau:
“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”
Quy định mới này sẽ buộc nhiều lãnh đạo ngân hàng đứng trước hai lựa chọn: Giữ “ghế” ngân hàng hay doanh nghiệp?
Sếp ngân hàng và chức danh ngoài ngân hàng
Thực tế hiện nay, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng thuộc nhóm Ngân hàng Thương mại Cổ phần đều kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại một hay nhiều doanh nghiệp bên ngoài.
Thực tế này có nguyên nhân sâu xa từ lịch sử hình thành của các ngân hàng thương mại cổ phần. Cần thiết phải nói rằng, trong hệ thống các TCTD ở Việt Nam lâu nay, không có nhiều nhà băng có Chủ tịch là những người lập nghiệp, trưởng thành và làm nên cơ đồ với xuất phát điểm tại một ngân hàng.
Phần nhiều những ông/bà chủ ngân hàng ở Việt Nam đều thành danh và tích lũy tư bản từ các lĩnh vực lõi của mình, như bất động sản, thương mại, du lịch, hàng tiêu dùng,… Tức là trước khi tham gia quản trị, điều hành tại các nhà băng, nhiều Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đã có sẵn một hệ sinh thái doanh nghiệp, do chính họ giàu công gây dựng, phát triển và sở hữu. Tại những doanh nghiệp ấy, họ sẽ là người đứng đầu ban quản trị, ban điều hành hay những vị trí lãnh đạo cấp cao.
Sau khi thặng dư tài chính và từ chính những trải nghiệm về việc thu xếp nguồn vốn cho các kế hoạch kinh doanh tại các doanh nghiệp lõi, họ mới nghĩ đến việc thành lập nhà băng. Tất nhiên, cũng không thể không kể đến việc cho phép mở mới hay chuyển đổi các ngân hàng nông thôn thành ngân hàng đô thị một cách ồ ạt và quá dễ dàng thời bấy giờ.
Việc mở mới hay sở hữu một ngân hàng, trước tiên, sẽ giúp cho nhóm chi phối ngân hàng ấy đa dạng hóa ngành nghề đầu tư, mở ra lĩnh vực kinh doanh mới, một ngành kinh doanh “buôn tiền” và “ra tiền” - thời “sốt” bất động sản hay chứng khoán.
Đồng thời, việc sở hữu một ngân hàng cũng tạo ra lợi thế quan trọng cho nhóm sở hữu trong việc tương hỗ cho các hoạt động kinh doanh lõi. Đặc biệt, trong những ngành thâm dụng vốn như bất động sản, việc có được một ngân hàng đứng ra thu xếp vốn và tạo lập các dịch vụ tài chính hỗ trợ thì nó không chỉ là lợi thế nữa, nó chính là “tiền” để hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh, thâu tóm thị phần,…
Chẳng tự dưng mà những “đại gia” như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trầm Bê… - dù đã giàu cự phú trong lĩnh vực “lõi” của mình – vẫn tìm mọi cách để sở hữu một ngân hàng! Với những người này, họ thâu tóm ngân hàng chưa hẳn chỉ để làm giàu từ hoạt động ngân hàng, kiếm lời từ lợi nhuận mà ngân hàng đem về. Đôi lúc, họ cũng muốn và sử dụng ngân hàng như một công cụ để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh lõi. Với vai trò trung gian tài chính của mình, các ngân hàng luôn thu hút được một lượng tiền gửi lớn từ dân cư và tổ chức. Chi phối một ngân hàng cũng mở ra cơ hội định đoạt việc giải ngân lượng tư bản tập trung này.
Tất nhiên, trường hợp như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trầm Bê chỉ là cá biệt. Phần lớn các doanh nhân đều tìm đến ngân hàng mới động cơ và mục tiêu đứng đắn, hợp pháp, hợp lệ và đúng bản chất thị trường.
Ai sẽ phải lựa chọn?
Như đề cập phía trên, rất nhiều ngân hàng được tạo lập và phát triển từ nền tảng các doanh nghiệp lõi của các lãnh đạo ngân hàng. Cũng vì thế, rất nhiều Chủ tịch các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay đang kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các doanh nghiệp ngoài ngân hàng.
Không khó để kể ra những cái tên. Chẳng hạn như ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Ngoài trọng trách tại SHB, ông Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF); CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp SHB (SHB Land); Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC); CTCP Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang… Trong số các doanh nghiệp này, có doanh nghiệp có vốn góp của SHB, có thể coi là doanh nghiệp thuộc SHB nên việc ông Hiển giữ ghế có thể không vi phạm, nhưng cũng không thiếu những những doanh nghiệp ngoài SHB – mà ông Hiển phải lựa chọn làm Chủ tịch ở đây hay ở SHB.
Hay như trường hợp của ông Dương Công Minh. Ngoài trọng trách vừa nhận tại Sacombank (Chủ tịch HĐQT), ông Minh còn giữ cương vị Chủ tịch tại CTCP Him Lam và nhiều doanh nghiệp trong tập đoàn này.
Ông Đỗ Minh Phú – đương kim Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng sẽ phải quyết định lựa chọn một trong hai chiếc ghế: Chủ tịch TPBank hay Chủ tịch Doji Group.
Tương tự, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank cũng phải buộc lựa chọn giữa Techcombank hay Masan Group. Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga; Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Kien Long Bank Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Bac A Bank Thái Hương, Chủ tịch HDBank Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch NCB Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ và nhiều lãnh đạo ngân hàng khác cũng phải đổi diện với những quyết định tương tự.
Lưu ý rằng, quy định mới của Luật các TCTD không chỉ giới hạn chức danh với Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV ngân hàng. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng cũng chịu điều chỉnh. Theo đó, số lượng lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng bị buộc phải đưa ra lựa chọn sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Lựa chọn thế nào?
Nhìn nhận một cách khách quan, việc buộc phải chọn “ghế nóng” tại ngân hàng hay doanh nghiệp không phải là một vấn đề quá lớn đối với những người này. Nó không đồng nghĩa với việc buộc phải lựa chọn giữa sở hữu ngân hàng hay sở hữu doanh nghiệp. Việc từ bỏ “ghế” lãnh đạo có thể chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ. Những “sếp” ngân hàng sẽ vẫn giữ “ghế” ngân hàng và vẫn có thể duy trì quyền lực điều hành tại doanh nghiệp của họ. Chẳng hạn như chỉ đạo, điều hành qua những người thân tín.
Hoặc họ có thể từ bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng mà vẫn tham gia Ban quản trị với cương vị Phó Chủ tịch hay Thành viên HĐQT. Quy định về chức danh của lãnh đạo ngân hàng không điều chỉnh tới những vị trí này. Mà nhắc lại rằng, những nhân vật quyền lực khét tiếng một thời trong giới nhà băng như Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) hay Trầm Bê đâu có làm Chủ tịch HĐQT ACB, Sacombank, Southern Bank.
Đối chiếu với khoản 3 và khoản 4 vừa được bổ sung vào Điều 34 Luật các TCTD thì trường hợp như của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ không thuộc diện phải điều chỉnh, khi bà Thảo chỉ là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank). Bên cạnh vai trò tại HDBank, bà Thảo còn được biết đến rộng rãi trên cương vị Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Viet Jet (Vietjet Air). Đồng nghiệp của bà Thảo, ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT Vietjet Air cũng đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT HDBank.
Và đó chỉ là hai trong rất nhiều cách có thể giúp các sếp nhà băng “lách” quy định mới về chức danh lãnh đạo ngân hàng. Câu chuyện có thể cũng tương tự như quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu tại tổ chức tín dụng.
Tại phiên tòa sơ thẩm vừa kết thúc chưa lâu, khi được hỏi rằng, bị cáo thực chất sở hữu bao nhiêu cổ phần Ocean Bank (OJB), Hà Văn Thắm cho biết, khối lượng cổ phần mà Thắm sở hữu tại OJB thực tế lớn hơn con số 62,97%. 62,97% chỉ là khối lượng thống kê được với đủ chứng từ để chứng minh là thuộc sở hữu của Thắm. Theo Hà Văn Thắm, trên thực tế còn một số cổ đông nhỏ được bị cáo này cho vay tiền để sở hữu cổ phần OJB. “Phần này khoảng 10% nữa. Nên thực tế, bị cáo sở hữu khoảng 73%, 74% OJB”.
Theo quy định được điều chỉnh từ nhiều năm trước, mỗi cá nhân được sở hữu không quá 5% vốn cổ phần của một ngân hàng, còn mỗi cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 15%. Một nhóm cổ đông có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn cổ phần của một ngân hàng.
Tuy nhiên, thông tin được làm rõ trong quá trình điều tra, xét xử các đại án ngân hàng như VNCB, Ocean Bank,… đều chỉ ra rằng, con số sở hữu thực sự của những Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trầm Bê tại các ngân hàng đều vượt nhiều lần giới hạn quy định tại Luật các TCTD.
Được biết, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đã bổ sung quy định về đối tượng là pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của TCTD. “Quy định mà Luật đưa ra là nhằm phát hiện và cảnh báo từ sớm, ngăn ngừa việc thực hiện các hành vi có thể gây rủi ro cho chính TCTD và hệ thống” - báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Trên tinh thần này, có thể hiểu rằng, những quy định mới về chức danh lãnh đạo ngân hàng cũng nhằm mục đích kiểm soát rủi ro và phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh giữa ngân hàng và các doanh nghiệp thân hữu của các lãnh đạo ngân hàng.
Dù hiệu quả thực tế của các quy định còn cần kết quả kiểm chứng từ thực tiễn nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua đã phát đi một thông điệp hết sức rõ ràng về quyết tâm lành mạnh, chuyên nghiệp hóa hệ thống các tổ chức tín dụng; quyết tâm xử lý triệt để các hành vi lợi dụng ngân hàng để lũng đoạn thị trường. Với những điều chỉnh bổ sung này, tin rằng, rồi đây hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn, tiến gần đến các chuẩn mực quản trị quốc tế.