Sếp vẫn nghĩ nhân viên giả vờ làm việc khi không đến văn phòng
Các nhà quản lý đang điên đầu với tình trạng công việc của mình, rằng nhân viên có thể thực hiện bất cứ điều gì trong khi làm việc tại nhà.
Nhiều giám đốc điều hành bày tỏ niềm chán ghét với hình thức work from home, vốn do đại dịch thúc đẩy, theo Wall Street Journal.
Dù nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp ca ngợi năng suất làm việc từ xa của nhân viên, một số người lo lắng rằng nó sẽ không bền vững.
Nói cách khác, sự kiên nhẫn của các sếp đang giảm dần trong khi độ nghi ngờ ngày càng gia tăng, dẫn đến "chứng hoang tưởng về năng suất".
Xuất phát từ ngờ vực
“Chứng hoang tưởng về năng suất” là một thuật ngữ mới do giám đốc Microsoft Satya Nadella đặt ra, dùng để mô tả nỗi lo người lao động làm việc không hiệu quả hoặc trung thực khi ở nhà. Hội chứng này dường như đang gia tăng trong bối cảnh dự báo suy thoái.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của công ty phần mềm, khoảng 85% nhà lãnh đạo cho biết mô hình làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên lựa chọn giữa lên văn phòng hoặc làm tại nhà, khiến họ khó biết được cấp dưới thực sự năng suất như thế nào.
Sự ngờ vực không chỉ dừng lại ở việc nghi ngờ về năng suất làm việc và kết quả đạt được. Tại một số công ty, sự thiếu tin tưởng đã lan sang cả mảng tuyển dụng.
Khi nhà tuyển dụng công nghệ Sean Slater thực hiện phỏng vấn tuyển dụng qua video, anh yêu cầu ứng viên xoay webcam xung quanh và dưới bàn làm việc của họ.
“Hãy chứng minh rằng không có ai đang ở cùng phòng với bạn”, anh nói.
Slater từng nhìn thấy các ứng viên thuê huấn luyện viên phỏng vấn đứng ở ngoài khung hình quay. Ứng viên sẽ nhép theo câu trả lời của huấn luyện viên, trong khi che giấu hành vi gian lận này bằng cách đổ lỗi cho đường truyền Internet không ổn định, dẫn đến sự cố rè tiếng và nhiễu hình.
Slater, phó chủ tịch tập đoàn Brixton, cho biết kiểu lừa dối này đang phổ biến trong môi trường làm việc từ xa. Anh và nhóm tuyển dụng thường bắt được những tay lừa đảo, những cũng để lọt một số ứng viên, khiến họ được nhận dù không đủ năng lực.
Vào thời điểm người sử dụng lao động nhận ra nhân viên mới không phù hợp, các dự án có thể đã chệch hướng.
Đó là cơn ác mộng nhân sự, và là một trong nhiều kiểu lừa dối đang thúc đẩy các nhà quản lý sớm áp dụng quy định làm việc tại văn phòng trở lại.
Chẳng hạn, trong các cuộc họp trực tuyến, thật khó để biết ai thực sự chú ý và ai đang lướt mạng. Những email và tem thời gian trên Slack cũng không thể hiện được người nào đang làm việc. Bất kỳ ai cũng có thể soạn một loạt tin nhắn vào buổi sáng, đặt giờ gửi và nghỉ vào buổi chiều.
Thật khó để người sử dụng lao động kiểm tra năng suất của nhân viên qua những trò như vậy. Bên cạnh đó, những người ủng hộ phương thức làm việc tại nhà luôn rao giảng rằng các lãnh đạo nên ngừng băn khoăn về cách thức và thời gian xử lý công việc, miễn sao nó được hoàn thành.
Nhân viên trốn sự kiểm soát
Trong một cuộc khảo sát của Fiverr Business với 1.000 nhà quản lý ở Mỹ được công bố trong tháng này, 1/3 cho biết họ muốn nhân viên quay lại văn phòng toàn thời gian vì mọi người có động lực hơn khi cấp trên để mắt đến họ.
“Điểm mấu chốt thực sự của mọi việc là sự thiếu kiểm soát”, Jerome Hardaway, người điều hành tổ chức phi lợi nhuận Vets Who Code, giúp các cựu quân nhân học kỹ năng lập trình và được tuyển dụng, nói.
Ông Hardaway cho biết ngay cả trong lĩnh vực công nghệ, nơi một số ông lớn như Twitter và Airbnb đã biến làm việc từ xa trở thành lựa chọn lâu dài, nhiều công ty mong muốn nhân viên đến văn phòng.
Một số nơi, như Tesla và Space X của tỷ phú Elon Musk, nhấn mạnh vào sự hợp tác trực tiếp giữa các nhân viên. Các doanh nghiệp đầu tư vào tòa nhà văn phòng sang trọng, hoặc mở rộng chi nhánh sang các thành phố mới từ trước đại dịch muốn những địa điểm đó được sử dụng.
Theo ông Hardaway, kêu gọi mọi người đến văn phòng cũng là chiến lược xua đuổi “những kẻ săn mồi”, lôi kéo nhân sự sang công ty của họ.
Nhân viên phỏng vấn với các công ty khác trong ngày làm việc trở nên dễ dàng hơn khi ở xa. Nếu đến văn phòng, sếp và đồng nghiệp hoàn toàn có thể nhận biết hành vi đó qua việc nhìn màn hình máy tính hoặc nghỉ trưa quá lâu.
Bên cạnh đó, chứng hoang tưởng về năng suất gây phát sinh “nhà kịch năng suất”. Thuật ngữ dùng để chỉ việc nhân viên duy trì trạng thái online, chứng minh mình đang làm việc bằng cách thường xuyên cập nhật trạng thái trên Slack, hoặc di chuyển chuột để đảm bảo đèn trong Microsoft Teams có màu xanh lục.
Có nhiều cách để những người làm việc tại nhà trông như rất năng suất hoặc làm nhiều giờ hơn so với thực tế, theo Michelle Kaye, một nhà đào tạo công nghệ tự do.
Kaye không ủng hộ việc bỏ bê công việc, nhưng cô muốn cung cấp các mẹo để đối phó với phương pháp giám sát quá chặt chẽ của các lãnh đạo, chẳng hạn theo dõi trạng thái tài khoản của nhân viên có chuyển sang chế độ ngủ do không hoạt động hay không.
Với trường hợp này, nhà đào tạo công nghệ cho biết nhân viên có thể thay đổi cài đặt máy tính để kéo dài thời gian chờ ngủ. Các ứng dụng nhắn tin cũng có thể thao tác tương tự.
“Cài đặt mặc định của ứng dụng là sau 5 phút không chạm vào chuột, bạn sẽ bị chuyển sang trạng thái ‘không hoạt động’. Và sau đó 10 phút, bạn thành ‘đi văng’. Đương nhiên, tôi có thể thay đổi điều đó”, Kaye nói về phần mềm nhắn tin.