Sét đánh trúng, mộ cổ lộ diện vô số châu báu, hóa ra chủ nhân là một vị vua
Nhiều người lao vào tranh cướp khi hay tin mộ cổ xuất hiện vàng bạc, châu báu mà không biết rằng nỗi sợ hãi ở phía sau.
Vào năm Sùng Trinh đế thứ 9 (năm 1636), ở một làng quê thuộc quận Phiên Ngung, Quảng Châu, Trung Quốc, trời mưa nhiều ngày liên tiếp, một hôm tia sét lớn đánh xuống đất tạo ra tiếng nổ vang trời. Sau đó, mưa dừng hẳn, dân làng tò mò đổ ra xem thì thấy trên đất xuất hiện một hố to.
Vài người bạo gan trèo xuống thì phát hiện bên dưới là ngôi mộ cổ rất lớn. Bên trong họ tìm thấy rất nhiều món cổ vật bằng vàng, bạc, ngọc và vật liệu quý hiếm. Họ còn tìm thấy 2 bức tượng bằng vàng ăn mặc tựa như hoàng đế, phía dưới đặt 24 bức tượng bằng bạc gồm 12 tượng quan văn và 12 tượng quan võ.
Nào ngờ, tin đồn vừa loan ra, dân trong làng, ngoài làng vội vàng lao vào tranh cướp, giành giật kho báu. Có người đến muộn không tìm được gì bèn đem thi thể của chủ nhân mộ cổ ra để trút giận. Sau khi cướp sạch đồ bên trong, ngôi mộ này bị vứt bỏ không thương tiếc.
Tới năm 1966, lăng mộ còn được dùng là nơi trú ẩn không kích của địch. Tới nay, người dân lại dùng ngôi mộ làm nơi chăn nuôi gia súc của làng.
Mãi tới năm 2003, chính quyền Quảng Châu quyết định khảo sát các di tích văn hóa trong vùng để mở rộng quy hoạch quận Phiên Ngung. Một nhóm chuyên gia khảo cổ đi khắp nơi trong quận để tìm kiếm. Nhờ sự chỉ dẫn của dân làng, họ tìm thấy ngôi mộ cổ đó.
Khi nhóm khảo cổ tới nơi thì ngôi mộ cổ chỉ còn sót lại 1 tấm bia đá bên trên khắc dòng chữ “Cao Tổ thiên hoàng đại đế ai sách văn”. Căn cứ theo tên và chữ khắc thì đây là lăng mộ của Nam Hán Cao Tổ - Lưu Nghiễm. Đây là vị hoàng đế đầu tiên của nước Nam Hán thời Ngũ Đại Thập Quốc.
Theo các tài liệu cổ, Lưu Nghiễm cuối đời vô cùng bạo ngược, tàn ác. Ông thường xuyên dùng các hình phạt tàn khốc như phanh thây, thả rắn độc cắn… phạm nhân để mua vui cho bản thân. Ngoài ra, Lưu Nghiễm còn lệnh cho binh lính vơ vét hết vàng bạc của dân chúng để đúc tượng, chế thành đồ trang sức… làm đồ tùy táng đặt trong mộ của mình sau khi ông qua đời. Vì vậy, dân chúng thời bấy giờ vô cùng oán trách vị hoàng đế này.
Dân làng ở nơi phát hiện ra lăng mộ của vua Lưu Nghiễm sau khi biết tin cũng bày tỏ sự chán ghét với ông. Còn các chuyên gia đã trùng tu lại lăng mộ và công nhận nó là di tích văn hóa của quốc gia.