Sét là gì? Sự nguy hại của sét để lại nhiều hậu quả khôn lường
Sét là một hiện tượng tự nhiên khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Khi sét phóng điện nó thể khiến người bị đánh tử vong ngay lập tức, cơ sở hạ tầng bị phá hủy gây thiệt hại về kinh tế.
Tử vong do bị sét đánh
Mới đây (ngày 4/6), ông Phan Văn Thuần (Chủ tịch UBND xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hai vợ chồng đi làm rẫy ở xã này bị sét đánh. Hậu quả người vợ tử vong tại chỗ, còn người chồng bị thương được đưa đi cấp cứu.
Theo thông tin ban đầu, người vợ quê ở Diên Điền nên 2 người có rẫy ở đây. Khoảng 15 giờ cùng ngày, khi đi rẫy về, hai người gặp mưa nên dừng lại mặc áo mưa. Bất ngờ, sét đánh trúng 2 vợ chồng khiến người vợ tử vong tại chỗ. Người chồng bị thương được người dân phát hiện đưa vào bệnh viện điều trị.
Trước đó, ngày 28/5, tại xã Thụy Hưng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), một người đàn ông cũng bị sét đánh trúng tử vong tại chỗ.
Thời điểm sáng cùng ngày, khi đội thợ gồm khoảng 10 người đang triển khai xây dựng kè bãi lở đê sông Hữu Hóa thuộc địa phận xã Thụy Hưng thì cơn dông bất ngờ ập đến. Ông Trần Văn H (49 tuổi, trú xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) đang chỉ huy việc xây dựng bờ kè thì bị sét đánh. Hậu quả ông H tử vong tại chỗ.
Một người đàn ông khác trên chiếc tàu chở đá đang cập bến cũng bị thương, được mọi người đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Lãnh đạo xã Thụy Hưng cho biết, thời điểm xảy ra sự việc, các thợ đứng cách nhau khá xa. Trong đó có một người thợ đứng cách ông H khoảng 10m bị ngã nhưng rất may không bị thương tích gì.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân đã báo cơ quan chức năng, chính quyền xã Thụy Hưng.
Lãnh đạo UBND và Công an xã Thụy Hưng, Công an huyện Thái Thụy đã có mặt tại hiện trường khám nghiệm, hoàn tất các thủ tục theo quy định trước khi bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.
Sét là gì? Sấm sét là gì?
Sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu hoặc giữa các đám mây và mặt đất. Đôi khi, các tia sét còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hoặc bão cát. Tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000km/h khi phóng điện trong khí quyển.
Sấm hay sấm sét là âm thanh do tia sét gây ra và thường xuất hiện sau khi ánh sáng của tia chớp lóe lên. Đây là bằng chứng cho thấy tốc độ âm thanh chậm hơn so với tốc độ ánh sáng. Dựa vào thời gian giữa việc nhìn thấy tia sét lóe lên và âm thanh sấm nghe được, người ta có thể tính toán được nó cách bao xa.
Sét có thể đạt tới nhiệt độ 30.000 độ C, gấp 5 lần nhiệt độ bề mặt Mặt Trời (5778 độ C).
Sét hình thành do đâu?
Sét hình thành khi dòng điện tích dương từ mặt đất đi lên gặp dòng điện tích âm di chuyển từ mây xuống.
Lý do sét hình thành và nguồn gốc của nó vẫn là một vấn đề còn đang tranh luận. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các nguồn gốc khác nhau như gió, độ ẩm, ma sát và áp thấp khí quyển cho đến ảnh hưởng của gió mặt trời và các hạt tích điện trong năng lượng mặt trời. Các tinh thể băng trong các đám mây có thể là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tia sét do nó có thể tạo ra một môi trường tích điện cực trái dấu nhau trong các đám mây dẫn đến việc hình thành sét.
Khi hai đám mây tích điện trái dấu lại gần nhau, hiệu điện thế giữa chúng có thể lên tới hàng triệu vôn. Giữa hai đám mây có hiện tượng phóng tia lửa điện và trông thấy một tia chớp. Vài giây sau tiếng nổ mới phát ra, đó là sấm (do vận tốc ánh sáng nhanh hơn vận tốc của tiếng động nên ta trông thấy tia chớp trước). Khi đám mây dông tích điện đi gần mặt đất tới những khu vực trống trải, gặp một vật có độ cao như cây cối, người cầm cuốc xẻng... thì sẽ có hiện tượng phóng tia lửa điện giữa đám mây và mặt đất. Đó là hiện tượng sét đánh.
Sét gây ra các tác hại tĩnh điện, điện từ, nhiệt, động lực đến các đối tượng xung quanh như thiết bị kỹ thuật điện, đường dây thông tin, tín hiệu, truyền số liệu, đường dây điện lực, các phương tiện thông tin, vô tuyến điện tử và thường gây ra các thiệt hại lớn.
Theo Viện Vật lý - Địa cầu, Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á. Đây là 1 trong 3 tâm dông có hoạt động dông sét mạnh nhất trên thế giới. Mùa dông sét ở Việt Nam tương đối dài với trung bình 250 giờ/năm.
Phân loại sét
Theo các nhà nghiên cứu, dấu hiệu phía ngoài sét được phân ra thành một số loại. Loại phổ biến nhất là sét vạch với các dạng khác nhau như: sét dải, sét dạng tên lửa, sét dạng chữ chi và dạng nhánh, loại hiếm thấy nhất là sét cầu.
Sét vạch thường gặp nhất trong thiên nhiên và cũng chính là nguồn điện từ mạnh phổ biến nhất.
Sét vạch gồm có các loại như sau:
- Sét vạch "Đám mây - Lớp khí quyển phía trên".
- Sét vạch "Đám mây - Đất".
- Sét vạch "Đám mây - Đám mây".
- Sét vạch bên trong đám mây (Đám mây).
Trong các dạng sét vạch thì sét vạch "Đám mây - Đất" thường hay gặp nhất.
Kết quả nghiên cứu dông sét trên thế giới, cho thấy:
Cùng một lúc trên trái đất có khoảng 2.000 cơn dông.
Trong mỗi giây có gần 100 cú sét đánh.
Mỗi ngày có trên 4.000 cơn dông và 9.000.000 cú sét đánh.
Trên thế giới sét làm chết từ 1.000 đến 10.000 người/năm và riêng ở Mỹ từ 100-600 người/năm.
Sét gây tổn thất về kinh tế trên thế giới mỗi năm là hàng chục tỷ USD.
Tác hại của sét với cuộc sống con người
Sét được tạo ra dựa vào nguyên lý truyền điện giữa các đám mây, sét được xem là nguồn điện tự nhiên khó có hiện tượng nào có thể sánh kịp. Nó cũng có thể tạo ra từ tro tàn của những vụ phun trào núi lửa hay một trận cháy rừng đủ sức tạo ra làn khói đặc để dẫn điện.
Con người có thể tử vong khi bị sét đánh trúng.
Sét có thể phóng qua khoảng không giữa người và vật. Trường hợp này gọi là sét đánh ngang.
Sét lan truyền trên mặt đất. Sét gây hư hại với các thiết bị điện, các công trình, các đường dây tải điện và phá hủy cây cối tòa nhà khi đánh xuống.
Sét có nhiệt năng cực lớn cho dù chỉ sượt qua nhưng cũng có thể gây bỏng nặng trên cơ thể người. Nạn nhân thậm chí còn có thể tổn thương não, tim bị ảnh hưởng khi bị đánh.
Sét khi đánh trúng một vùng gần khu vực người dân sinh sống, điện áp hệ thống sẽ gây chập điện, hư hỏng đồ điện tử, công nghệ. Người cũng có thể bị sét đánh ngay trong nhà vì sét lan truyền.
Sét cũng là nguyên nhân gây cháy nhà, cháy rừng cực kì nguy hiểm.
Cần làm gì khi gặp sấm sét?
Theo John Jensenius, chuyên gia về an toàn chống sét của NOAA (Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia, Mỹ), sét là hiện tượng thời tiết cực đoan ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi an toàn, đề phòng tránh sét khi gặp trời mưa dông nhất là trong mùa mưa bão, có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh và tránh được những tổn thương về sức khỏe.
Khi trời sắp xảy ra mưa dông (mây đen, không khí lạnh, gió) cần vào nhà trú mưa.
Nếu nghe thấy tiếng sấm sét cần tìm nơi trú ẩn ngay lập tức.
Nếu đang ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, đồ dùng điện, tránh các chỗ có nước như nhà vệ sinh, nhà tắm, vòi nước, bể bơi…
Nếu đang ở vị trí đất trống nên ngồi xổm xuống gần mặt đất, đặt tay lên đầu gối và đặt đầu vào giữa chúng; không nằm xuống đất; không đứng thành nhóm người gần nhau.
Tránh sử dụng điện thoại cố định, trừ khi trong trường hợp khẩn cấp, vì đường dây điện thoại có thể dẫn điện.
Nên rút phích cắm của bất kỳ thiết bị không cần thiết nào ra nếu thấy sấm sét.
Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.
Nếu đang ở bên ngoài, hãy tìm một nơi trú ẩn cách xa cây cối, cột điện hoặc các vật kim loại. Chú ý đến các vật kim loại có thể dẫn điện hoặc thu hút sét như gậy đánh gôn, cần câu cá, ô dù, xe đạp và hàng rào bằng dây.
Chờ ít nhất 30 phút sau tiếng sấm sét cuối cùng trước khi rời khỏi nơi trú ẩn. Sau cơn dông, tránh các đường dây điện bị đổ hoặc dây cáp bị đứt vì có thể nguy hại đến tính mạng.
Để đảm bảo rủi ro thiệt hại do sét đánh mọi công trình xây dựng nên cần thực hiện lắp đặt hệ thống cột thu lôi chống sét, chống sét lan truyền, hệ thống tiếp địa, cảnh báo sét…
Quy tắc nhìn, nghe về sấm sét
Theo chuyên gia khí tượng, khi sét xảy ra, thoạt tiên thấy tia chớp lóe lên và sau đó là có tiếng sấm kèm theo. Nếu bạn tính khoảng thời gian từ lúc tia chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách tới nơi sét xảy ra. Chia số giây cho 3 ta được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3 = 1km.
Nên nhớ rằng nếu như khoảng thời gian đếm được từ khi thấy chớp và nghe tiếng sấm nhỏ hơn 30 giây, thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét và phải cẩn thận. Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì phải di chuyển đến nơi an toàn hơn. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km.
Thiết bị chống sét gồm những gì?
Thiết bị chống sét là cột chống sét, bao gồm:
Kim thu sét.
Dây dẫn sét.
Cọc tiếp địa và dây nối đất.
Các vật tư khác (đế và trụ đỡ kim, dây neo…).
Cột chống sét thường được đặt trên mái nhà ở vị trí cao và được dây thoát sét dẫn thẳng xuống hệ thống tiếp đất.