'Sex/Life' bị gọi là thảm họa vì ngập tràn cảnh sắc dục
'Sex/Life' đã 'đốt mắt' khán giả trên toàn thế giới những tuần qua bằng 8 tập phim ngập tràn sắc dục nhưng thất bại trong việc xây dựng sự đồng cảm với nội dung câu chuyện.
Sau thành công với những bộ phim như 365 Days hay Bridgerton, trong năm 2021, Netflix tiếp tục đầu tư vào những dự án phim nhắm tới chủ đề đời sống tình dục của người trưởng thành. Sex/Life là cái tên tiếp theo trong bản danh sách không dành cho khán giả dưới 18 tuổi này.
Bộ phim đốt mắt khán giả
Nội dung Sex/Life được truyền cảm hứng từ cuốn hồi ký 44 Chapters About 4 Men của BB Easton. Trong sách, Easton đã viết về những trải nghiệm tình dục của mình với bốn người đàn ông trước khi gặp được chồng.
Cô bắt tay viết cuốn sách sau khi cảm thấy bế tắc với cuộc hôn nhân hiện tại. Trong bản thảo, Easton đã hồi tưởng những trải nghiệm tình dục mình từng có với bốn người tình cũ. Sau khi hoàn thành, cô để cuốn nhật ký ở nơi mà chắc chắn chồng mình sẽ tìm thấy. Nhờ đọc cuốn sách, người chồng đã biết cách “chiều” vợ và đời sống tình cảm của họ lại mặn nồng như thuở ban đầu.
Tuy nhiên, câu chuyện của Billie (Sarah Shahi) trên màn ảnh lại không đơn giản như vậy. Bà mẹ hai con sống ở vùng ngoại ô từng có một thời thanh xuân cuồng si trong ái tình trước khi kết hôn với với người chồng tận tụy Cooper (Mike Vogel). Khi lửa hôn nhân đã nguội, Billie bắt đầu nhớ về về người tình cũ Brad (Adam Demos).
Càng ảo mộng về Brad, Billie càng đặt dấu hỏi về cuộc hôn nhân hiện tại. Nỗi sầu muộn của cô đã đẩy cuộc hôn nhân với Cooper tới bờ vực rạn nứt. Rồi Cooper tìm thấy cuốn nhật ký của vợ và khám phá ra cuộc ngoại tình trong tư tưởng của cô.
Nhờ yếu tố sắc dục, bộ phim nhanh chóng nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Trong bài phỏng vấn với JustJared, nữ chính Sarah Shahi chia sẻ tuần đầu tiên phát hành, Sex/Life đã lọt vào top 10 chương trình thịnh hành nhất trên dịch vụ xem video trực tuyến Netflix ở 86 quốc gia bao gồm cả Mỹ. Tác phẩm cũng lập tức trở thành từ khóa thịnh hành trên nhiều mạng xã hội.
Trong bài phỏng vấn với tạp chí Vogue, Shahi thừa nhận cô rất thích tác phẩm mình đóng chính, đặc biệt là phần nhạc phim. Nữ diễn viên sẵn sàng xem đi xem lại bộ phim nhiều lần. Sex/Life cũng se duyên cho Shahi và nam diễn viên Adam Demos, người thủ vai tình cũ của nữ chính.
Tờ Chronicle Live của Anh đưa tin ngày 9/7, nhiều khán giả bày tỏ trên Twitter họ cảm thấy hối hận khi xem chương trình truyền hình thực tế Gogglebox với cha mẹ vì có chiếu cảnh Cooper gặp Brad trong nhà tắm của Sex/Life. Không chỉ khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ, khách mời tham gia Gogglebox tại trường quay cũng khó giấu sự sững sờ khi chứng kiến cảnh phim táo bạo.
Trong cảnh phim trứ danh, Cooper bước vào nhà tắm chung ở phòng gym với Brad, không khỏi tò mò về gã đàn ông đã khiến vợ mình mê mệt. Khi Brad quay người lại, khán giả có khoảng vài giây để chiêm ngưỡng cơ thể của nhân vật. Và câu hỏi của Cooper đã có lời giải đáp.
Màn khoe thân của hai người đàn ông trong nhà tắm đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội trước khi xuất hiện trên chương trình truyền hình Anh. Khán giả chỉ ra cảnh phim thiếu tinh tế đã mắc lỗi thiết kế mỹ thuật khi để thiếu mất một hình xăm của Brad - hình xăm thể hiện “tình yêu bất diệt” anh dành cho Billie.
Nói về cảnh phim, cả hai nam chính Adam Demos và Mike Vogel đều bày tỏ họ đã được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi quay và thoải mái thực hiện cảnh nude trước ống kính.
Series phim về phụ nữ hay thảm họa truyền hình?
Bất chấp lượt người xem đông đảo và hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, Sex/Life chỉ là con ghẻ của các nhà phê bình điện ảnh. Trang Rotten Tomatoes chấm phim lần lượt 29% và 36% cho điểm từ giới phê bình và khán giả. Trong số 17 nhà phê bình đưa nhận xét về phim, chỉ 5 người chấm điểm tích cực. 12 người còn lại, tương đương 66%, đồng tình đây là một thảm họa.
Cây bút Roxana Hadadi từ RogerEbert nhận xét thất bại lớn nhất của Sex/Life là “sự mất cân bằng giữa yếu tố ái tình và câu chuyện người phụ nữ đi tìm lại chính mình. Phim quá sa đà vào nhục dục, ái tình mà bỏ bê việc phát triển tâm lý nhân vật chính”.
Từ tờ Sydney Morning Herald, cây bút Thomas Mitchell đã có một bài phân tích nhan đề Netflix show Sex/Life is so bad I can no longer enjoy sex or life (Bộ phim Sex/Life của Netflix quá tệ, tới mức tôi không thể tận hưởng tình dục hay cuộc sống được nữa), liệt kê những tồn tại lớn trong nội dung của series truyền hình ăn khách.
Một trong số các vấn đề của series được Mitchell chỉ ra là việc xây dựng hình ảnh nữ chính Billie khó tạo được đồng cảm với khán giả. Cô có một mái ấm với chồng và hai con. Chồng cô là nhân viên ngân hàng mẫn cán, đạo mạo và chung thủy. Thế nhưng người phụ nữ lại không nguôi nhớ về tay tình cũ bội bạc và bắt đầu nuôi ảo tưởng tình dục với anh ta.
Sự ngoại tình trong tư tưởng của Billie có thể là kết quả của việc những năm tháng làm vợ, làm mẹ đã bứt cô khỏi cuộc đời cũ, khiến cô không còn nhận ra mình là ai. Nhưng rất tiếc, khán giả không được biết nhiều về khía cạnh đấu tranh nội tâm dữ dội ấy của câu chuyện.
Ta chỉ được biết Billie cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống hiện tại ở vùng ngoại ô thông qua lời tường thuật của chính nhân vật, thay vì cảm nhận qua cách đặt góc máy, xây dựng nhân vật hay tạo dựng cốt truyện.
Sau cùng, cây bút Mitchell nhận xét nếu có một thứ gì đó từ Sex/Life đọng lại trong đầu khán giả sau khi xem xong, thì đó chính là những cảnh âu yếm của nhân vật. Anh mô tả tác phẩm là một bộ sưu tập các cảnh ái ân, được kết nối bằng một kịch bản gượng ép với lời thoại vụng về.