SGK Cánh Diều giúp giáo viên và học sinh thỏa sức sáng tạo

SGK Cánh diều thiết kế theo hướng mở giúp giáo viên và học sinh thỏa sức sáng tạo.

Với cấu trúc không quá cứng nhắc, bộ sách khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, việc triển khai một chương trình giáo dục với nhiều bộ sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa đang trở thành xu thế nổi bật. Mô hình này không chỉ tạo ra sự đa dạng về tài liệu học tập, giúp học sinh có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của mình, mà còn khuyến khích sự cạnh tranh tích cực giữa các nhà xuất bản, từ đó nâng cao chất lượng sách.

Hướng đi đúng đắn để phát triển phẩm chất, năng lực người học

Theo đánh giá của cô Đỗ Thùy Linh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là hướng đi đúng đắn và tất yếu trong xu thế phát triển của thời đại.

Hiện nay, giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn hướng đến phát triển năng lực tự học, tư duy độc lập và khả năng thích ứng của học sinh. Các bộ sách giáo khoa mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, góp phần đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập vào lộ trình hiện đại hóa, đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.

Về tổng thể, chương trình giáo dục phổ thông mới không thay đổi về khối lượng kiến thức cơ bản, mà thay đổi chủ yếu ở phương pháp tiếp cận, tổ chức dạy học và đánh giá học sinh. Theo đó, thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động như trước đây, học sinh ngày nay được khuyến khích tự khám phá, phân tích, vận dụng và phản biện, từ đó hình thành kỹ năng học tập suốt đời.

Cô Linh cho hay, dù giáo viên trước đây đã có thời gian dài gắn bó và quen thuộc với bộ sách giáo khoa cũ, nhưng trong bức tranh tổng thể của tiến trình phát triển giáo dục quốc gia, việc thay đổi là tất yếu. Và hơn ai hết, giáo viên chính là lực lượng tiên phong cần thích nghi, chủ động thay đổi để đồng hành cùng học sinh trong hành trình mới này.

Khi đó, việc có nhiều bộ sách để lựa chọn không chỉ giúp giáo viên linh hoạt trong việc giảng dạy, mà còn khơi gợi tinh thần tìm tòi, học hỏi ở học sinh.

Thực tế cho thấy, khi có nhiều bộ sách cùng được triển khai, học sinh không chỉ giới hạn trong tài liệu của một bộ sách đang được giảng dạy tại trường, mà còn có thể tự tìm hiểu, so sánh, khám phá thêm kiến thức từ các bộ sách khác. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò, ham học, mà còn góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu cho các em.

Bên cạnh đó, cô Linh cũng cho rằng việc triển khai một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa không chỉ mang lại sự lựa chọn linh hoạt cho giáo viên mà còn mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng giảng dạy một cách toàn diện. Khi giáo viên có điều kiện tiếp cận và đọc kỹ cả ba bộ sách, họ có thể nhận diện và chắt lọc những điểm mạnh riêng của từng bộ, thay vì bó buộc vào một nguồn tài liệu cố định. Nhờ vậy, giáo viên hoàn toàn có thể lựa chọn những nội dung hay, cách trình bày hiệu quả từ từng bộ sách, từ đó kết hợp lại để xây dựng bài giảng phong phú, sinh động và phù hợp nhất với học sinh.

Ví dụ, một bộ sách có thế mạnh về phần hệ thống kiến thức, một bộ khác lại trình bày hình ảnh trực quan, còn một bộ có nhiều bài tập vận dụng linh hoạt. Khi giáo viên chủ động kết hợp những ưu điểm này, bài giảng trở nên hấp dẫn hơn, học sinh cũng dễ hiểu và hứng thú tiếp thu hơn.

Hơn nữa, trong thời đại số hiện nay, giáo viên có thể kết hợp thêm dữ liệu trực tuyến như video minh họa, phần mềm mô phỏng, bài giảng đa phương tiện... để làm giàu thêm nội dung giảng dạy. Kho tư liệu trên Internet ngày càng phong phú cả về hình thức lẫn nội dung, giúp bài học không còn khô khan mà trở nên trực quan, sinh động, gần gũi với học sinh hơn.

Bên cạnh lợi ích chuyên môn, việc có nhiều bộ sách giáo khoa còn góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục. Khi thị trường sách mở rộng, các nhà xuất bản buộc phải cạnh tranh lành mạnh về nội dung, hình thức, chất lượng và giá thành. Điều này giúp bộ sách đến tay học sinh không chỉ đảm bảo về kiến thức mà còn được chỉnh chu hơn về thiết kế, phù hợp hơn về chi phí, mang lại lợi ích rõ rệt cho cả người dạy và người học.

“Chính sự cạnh tranh tích cực này sẽ thúc đẩy sự đổi mới liên tục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững và thực chất”, cô Linh nêu quan điểm.

Sách thiết kế theo hướng mở, giúp giáo viên thỏa sức sáng tạo

Hiện nay, tại Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) có ⅔ môn học đang triển khai dạy học theo sách giáo khoa Cánh Diều.

Cô Hoàng Xuân Quỳnh, giáo viên nhà trường cho biết quá trình chọn sách giáo khoa tại trường rất minh bạch và được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, các thầy cô giáo sẽ thảo luận và góp ý trong tổ chuyên môn, ghi nhận những đánh giá về từng bộ sách. Sau đó, những ý kiến này sẽ được đưa vào hội đồng chọn sách của trường để xem xét kỹ lưỡng. Cuối cùng, sự lựa chọn cuối sẽ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận chung.

Theo đánh giá của cô Quỳnh, một chương trình giáo dục với nhiều bộ sách giáo khoa mang lại sự linh hoạt và chủ động cho giáo viên trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy phù hợp. Bởi khi đó giáo viên có thể tiếp cận và nghiên cứu nhiều bộ sách khác nhau, từ đó đưa ra sự lựa chọn sao cho phù hợp nhất với đối tượng học sinh của trường mình.

Khi nghiên cứu các bộ sách giáo khoa, giáo viên cần xem xét kỹ lưỡng nội dung và cấu trúc của từng bộ sách để đảm bảo rằng nó phù hợp với năng lực và nhu cầu học tập của học sinh trong trường. Điều này đòi hỏi giáo viên không chỉ đánh giá sách từ góc độ lý thuyết mà còn phải hiểu rõ đặc điểm của học sinh mình đang dạy.

Đối với bộ sách Cánh Diều, cô Quỳnh cho biết trong quá trình giảng dạy trên lớp, cô nhận thấy bộ sách này rất phù hợp với học sinh khi kiến thức rất dễ tiếp cận và dễ hiểu. Mặt khác, nội dung sách không sử dụng các từ ngữ quá phức tạp hay xa lạ với các em học sinh, giúp các em dễ dàng nắm bắt và hiểu bài học mà không cảm thấy bị áp lực hay khó khăn trong quá trình học tập.

Chẳng hạn, khi so sánh với sách Tiếng Việt 1 trước đây, chúng ta có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận và xây dựng kiến thức. Trước đây, sách Tiếng Việt lớp 1 thường chứa đựng rất nhiều nội dung phức tạp, yêu cầu học sinh học và viết chữ hoa ngay từ những bài học đầu tiên. Điều này là một thử thách lớn đối với các em nhỏ, bởi vì việc học viết chữ hoa đòi hỏi kỹ năng vận động tay và khả năng ghi nhớ hình dáng chữ cái khá cao, điều mà đối với lứa tuổi lớp 1 là một yêu cầu quá sức, dễ gây cảm giác căng thẳng và khó khăn cho học sinh.

Tuy nhiên, với bộ sách Cánh Diều hiện nay, phương pháp tiếp cận đã thay đổi theo hướng nhẹ nhàng và linh hoạt hơn. Sách không yêu cầu học sinh phải viết chữ hoa ngay từ đầu mà chỉ yêu cầu các em tô chữ và nhận biết các chữ hoa. Việc tô chữ giúp học sinh làm quen với hình dáng của các chữ cái, đồng thời phát triển kỹ năng cầm bút một cách tự nhiên mà không gây áp lực ngay từ khi bắt đầu. Các em sẽ dần dần nhận diện được sự khác biệt giữa chữ in và chữ hoa, và học cách phân biệt chúng mà không cảm thấy áp lực phải viết hoàn chỉnh ngay từ lúc này.

“Đây là một sự thay đổi quan trọng, giúp học sinh lớp 1 có thể tiếp cận kiến thức Tiếng Việt một cách dễ dàng và tự nhiên, tạo nền tảng vững chắc cho việc học viết trong những năm học tiếp theo”, cô Quỳnh nhận xét.

Bên cạnh đó, cô Quỳnh cũng dành lời khen cho sách giáo khoa Cánh Diều qua việc thiết kế sách theo hướng mở, không đặt ra những yêu cầu quá khắt khe đối với giáo viên trong quá trình giảng dạy. Điều này mang lại rất nhiều tự do và sáng tạo cho thầy cô khi thực hiện bài giảng.

Cụ thể, giáo viên không phải bị gò bó vào một khuôn mẫu hay ép buộc phải tuân theo từng chi tiết trong sách một cách cứng nhắc. Thay vào đó, thầy cô có thể linh hoạt điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp nhất với học sinh của mình, từ đó giúp các em dễ dàng tiếp cận và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn.

 SGK Cánh Diều giúp giáo viên và học sinh thỏa sức sáng tạo

SGK Cánh Diều giúp giáo viên và học sinh thỏa sức sáng tạo

Trên thực tế, sách Cánh Diều mở ra nhiều cơ hội cho giáo viên áp dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng, không cần phải theo một lối mòn cũ kỹ mà vẫn đảm bảo chất lượng bài học. Điều này khác biệt rõ rệt so với các bộ sách trước đây, nơi mà giáo viên thường phải áp dụng một phương pháp giảng dạy rập khuôn, khiến học sinh cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú với việc học.

Mặt khác, việc có thể sáng tạo và linh hoạt trong quá trình giảng dạy còn giúp giáo viên dễ dàng kết nối bài học với thực tế, khơi gợi sự tò mò và hứng thú học tập từ học sinh. Bằng cách này, giáo viên có thể sử dụng những phương pháp mới mẻ, sáng tạo như học qua trò chơi, thảo luận nhóm, hay các hoạt động tương tác khác để giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động và dễ hiểu hơn.

Với những phương pháp giảng dạy linh hoạt, giáo viên sẽ dễ dàng tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả cho học sinh.

Đối với học sinh, hình ảnh minh họa là một trong nhiều yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút học sinh đến với công việc học tập. Và sách Cánh Diều đã làm rất tốt điều đó.

Theo chia sẻ của cô Quỳnh, mỗi bài học trong sách Tiếng Việt - bộ Cánh Diều đều có những hình ảnh minh họa gắn liền với nội dung, không chỉ làm rõ nghĩa các từ ngữ, câu chuyện mà còn kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Những hình ảnh này không chỉ mang tính chất trang trí mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc giúp học sinh hình dung và ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên.

Chưa kể các hình minh họa trong sách rất sinh động, với màu sắc tươi sáng, các nhân vật dễ thương và các hoạt động quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày giúp học sinh cảm thấy gần gũi và dễ dàng liên hệ với bài học. Điều này không chỉ làm cho việc học trở nên thú vị mà còn giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tư duy sáng tạo ngay từ những bài học đầu tiên.

Ví dụ trong bài học về vần, hình ảnh minh họa về các đồ vật quen thuộc được vẽ đơn giản, dễ hiểu, giúp các em học sinh nhận diện và làm quen với các chữ cái và âm thanh cơ bản. Các bức tranh này không chỉ giúp học sinh dễ dàng hình dung về từ ngữ mà còn tạo sự thích thú trong việc học viết.

“Ngoài việc giúp làm rõ nội dung, các hình ảnh này còn kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Những bức tranh sinh động, màu sắc tươi sáng không chỉ làm cho bài học trở nên thú vị mà còn tạo cảm hứng học tập cho các em”, cô Quỳnh cho hay.

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sgk-canh-dieu-giup-giao-vien-va-hoc-sinh-thoa-suc-sang-tao-post728718.html