SGK có ngữ liệu, hình ảnh phong phú khơi gợi hứng thú đọc sách của học sinh
SGK điện tử vừa giúp nâng cao, lan tỏa văn hóa đọc và tự học cho học sinh, vừa mở ra một hướng đi mới cho học liệu tương tác cao đối với người dạy ở Việt Nam.
Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra tiêu chuẩn, yêu cầu và mục tiêu là tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Theo đó, sách giáo khoa của Chương trình 2018 có vai trò vừa là nguồn tài liệu tham khảo, vừa là sự triển khai cụ thể hóa chương trình.
Đặc biệt, trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, văn hóa đọc ngày càng có điều kiện phát triển khi người đọc có thể tiếp cận những cuốn sách mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh. Theo đó, sách giáo khoa điện tử cũng bắt nhịp xu hướng này.
Đây là phiên bản điện tử của sách giáo khoa giấy, trong đó, nội dung giáo dục được thể hiện bằng các văn bản đa phương thức như: hình ảnh, đoạn âm thanh, video clip, các mô phỏng về thí nghiệm, từ điển số và những dạng bài tập tương tác có khả năng hồi đáp - đánh giá kết quả làm bài tập của người học, do đó có tác dụng hướng dẫn học tập và theo dõi quá trình học của mỗi người học.
Kích thích văn hóa đọc cho thế hệ trẻ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Đức Hạnh Thảo - giáo viên môn Tiếng Anh của một trường trung học cơ sở ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Bộ sách giáo khoa mới hiện nay có nhiều ngữ liệu phong phú, đa dạng khác nhau; được nghiên cứu xuất bản hướng tới mục tiêu kích thích sự tò mò, mong muốn tìm hiểu, khám phá tri thức của các em học sinh.
Chẳng hạn, những đoạn văn ngắn hay mẩu chuyện hấp dẫn, thú vị nằm trong sách cũng sẽ thôi thúc người học tự tư duy, đặt ra các câu hỏi xoay quanh. Từ đó, nếu các em muốn giải đáp những thắc mắc đó, học sinh sẽ về nhà tiếp tục tự học, tự tìm kiếm thêm các tư liệu và đọc kỹ hơn về những kiến thức đã được học trên lớp.
Điều này có sự khác biệt so với sách giáo khoa cũ của chương trình giáo dục phổ thông trước đây. Lâu nay có thể các giáo viên đã quen dạy học bám sát vào nội dung sách giáo khoa như một "pháp lệnh". Song, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới sẽ làm thay đổi căn bản cách dạy học của giáo viên. Vai trò chủ động của mỗi giáo viên trong việc biên soạn giáo án, tổ chức kế hoạch dạy học được đề cao hơn trước. Sự sáng tạo và tâm huyết của mỗi thầy cô sẽ đưa học sinh đến đích bằng những cách riêng của mình.
Từ đó, thế hệ trẻ cũng được tiếp thu kiến thức một cách gợi mở, chủ động hơn và được dẫn dắt khả năng phát huy tính tự học, tự đọc. Chú trọng xây dựng văn hóa đọc cho người học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường theo hướng chủ động, sáng tạo là rất cần thiết. Vì người được hưởng lợi cuối cùng từ chính những thay đổi tích cực này là các em học sinh.
Để hướng tới mục tiêu thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, sách giấy truyền thống và sách điện tử cần tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm tốt hơn. Chúng ta cũng nên đẩy mạnh phát triển sách điện tử thành mũi nhọn trong lĩnh vực xuất bản, để sách điện tử phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, và đồng thời gia tăng số lượng xuất bản phẩm điện tử.
Chị Phạm Hoàng Giang - phụ huynh có con học lớp 4 Trường Tiểu học Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục (Hà Nội) chia sẻ: Các con sử dụng bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn nhìn chung có chất lượng tốt, đã đáp ứng được các yêu cầu chung của chương trình giáo dục mới.
Đáng chú ý, bộ sách giáo khoa mới này đã khơi gợi cho các con sự phát triển về năng lực và phẩm chất toàn diện, luôn kích thích học sinh không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm, rèn luyện khả năng tự đọc và bổ sung tri thức. Chẳng hạn, với môn Tiếng Việt, chị Hoàng Giang cho biết, ngoài việc các con đọc sách theo các chủ đề đang học trên lớp hàng tuần, học sinh còn tìm đọc thêm những câu chuyện có chủ đề liên quan với bài học để trau dồi thêm vốn hiểu biết.
Với các môn học khác, thầy cô nhà trường dựa vào định hướng mục tiêu giảng dạy theo sách giáo khoa mới, đồng thời chủ động hướng dẫn cho các con những dự án bài tập, phiếu học tập để học sinh được gợi mở, tìm hiểu các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa để học hỏi thêm và chắt lọc thông tin.
Cụ thể, như trong sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý, lớp 4, ở bài 12 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội” (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), chị Phạm Hoàng Giang chia sẻ, các con rất ấn tượng với nội dung ở mục "Câu chuyện lịch sử" xoay quanh chủ đề về Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, sau khi được nghe giảng trên lớp, các con đã chủ động tìm đọc thêm truyện "Sự tích Hồ Gươm", thông tin lịch sử về Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập,... Bản thân chị Hoàng Giang cũng chia sẻ thêm cho con một số nội dung tiêu biểu về nghệ thuật ẩm thực và đời sống văn hóa -xã hội của người Hà Nội trong cuốn sách "Hà Nội băm sáu phố phường" của nhà văn Thạch Lam.
Bên cạnh đó, để kích thích văn hóa đọc, chị Hoàng Giang cho rằng gia đình và nhà trường nên phối hợp, tạo dựng môi trường đọc cho các con bằng việc tổ chức các hoạt động đọc sách trong lớp học, giờ đọc sách, câu lạc bộ sách, góc thư viện mini,... Đặc biệt, bộ sách giáo khoa mới kết hợp cùng sách tham khảo, sách bổ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã liên kết nội dung với bài học trên lớp một cách khá thú vị và hữu ích cho các con.
Ngoài ra, nhà trường cũng có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi kể chuyện, viết cảm nhận về sách, giới thiệu sách,... để tạo ra sân chơi cho học sinh, nhằm khuyến khích các con đọc những thể loại sách phù hợp, đa dạng và phong phú khác nhau.
Sách giáo khoa điện tử là phương tiện học tập phù hợp với thời đại mới
Theo chị Phạm Hoàng Giang, phương thức đọc sách điện tử hay còn gọi là thư viện số đang dần trở thành xu hướng thói quen của nhiều người, lan tỏa văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ. Có thể thấy, sách giáo khoa điện tử hiện nay có nhiều thao tác hữu ích cho người dạy và người học thuận tiện sử dụng, phụ huynh cũng dễ dàng tiếp cận hơn.
Với việc tận dụng lợi thế của Internet, các trường đã phát huy và lan tỏa văn hóa đọc tới các con nhằm giúp học sinh rời xa sự cám dỗ từ trò chơi điện tử, mạng xã hội. Giờ giải lao và thư giãn của con cũng bổ ích, lý thú hơn.
Là giáo viên dạy môn Tiếng Anh, cô Vũ Đức Hạnh Thảo cho hay, bên cạnh sách giáo khoa điện tử (bản mềm) và sách tham khảo điện tử cho giáo viên là công cụ hỗ trợ rất đắc lực cho người dạy. Ví dụ, để thiết kế và trình chiếu minh họa cho học sinh trong các bài giảng trên lớp, giáo viên muốn lấy tư liệu thì có thể sử dụng ngay sách điện tử. Hình ảnh sẽ có chất lượng đẹp hơn, tiện lợi thao tác hơn so với chụp lại trang sách giáo khoa giấy bằng thiết bị khác.
Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra một kỷ nguyên mới, mà ở đó, sách giấy không còn hoàn toàn giữ vị trí độc tôn. Quá trình chuyển đổi số này tại Việt Nam đang hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại, bao gồm cả thói quen “nghe sách”.
Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người đã đi làm, không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức. Chính đặc điểm đa phương tiện này của sách giáo khoa điện tử cũng giúp học sinh luyện tập phát âm, giao tiếp ngoại ngữ, trau dồi cách đọc từ vựng tiếng Anh thuận tiện và chủ động hơn.