SGK Tiếng Việt 1: NĐT Cánh Diều 'chết đuối vớ được cọc'... kiếm bộn tiền?

Trước khi góp mặt tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 với bộ Cánh Diều, Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) đang đứng trước đà suy thoái sau 4 năm thua lỗ. Điều này dấy lên nghi vấn: Có phải phi vụ bán sách là 'cái cọc cứu' VEPIC, thậm chí nhà đầu tư này còn kiếm bộn tiền?

Năm học 2020-2021, là năm đầu tiên cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.Sau một tháng triển khai, câu chuyện chương trình mới bị “kêu nặng” chưa lặng xuống thì sách giáo khoa Tiếng Việt của bộ “Cánh Diều” bị cho rằng có quá nhiều “sạn” gây tranh cãi gay gắt trong dư luận.

 Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều bị cho rằng có quá nhiều "sạn" đang gây tranh cãi.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều bị cho rằng có quá nhiều "sạn" đang gây tranh cãi.

Nhà đầu tư “Cánh Diều” 4 năm thua lỗ

Theo tìm hiểu của PV, “Cánh Diều” là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách sách giáo khoa được phê duyệt đưa vào sử dụng ở các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành.

Trong đó, VEPIC là Công ty tư nhân lần đầu tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Tra cứu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, VEPIC được thành lập vào ngày 27/7/2016, do ông Ngô Trần Ái là người đại diện theo pháp luật. Hoạt động kinh doanh chính là phát hành xuất bản phẩm điện tử, phát hành xuất bản phẩm.

Vốn điều lệ ban đầu của VEPIC ở mức 34,56 tỷ đồng, gồm các cổ đông lớn như: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Mã: EID; 34,722% vốn điều lệ), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (Mã: SED; 34,722%), Công ty CP Đầu Tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (Mã: DAD; 17,36%), ông Phạm Thanh Nam (8,68%).

Đến ngày 18/11/2016, VEPIC tăng vốn lên mức 108,7 tỷ đồng, nhưng tổng tỷ lệ sở hữu của SED, DAD, EID lúc này giảm mạnh, chỉ đạt 27,595%.

Chỉ 2 tháng sau đó, VEPIC tiến hành chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Lê Thành Anh (SN 1974) sang ông Ngô Trần Ái (SN 1951) - nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đồng thời, VEPIC thay đổi trụ sở chính thành tòa nhà Green Park Tower, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nguồn thu của VEPIC trước thời điểm ra mắt bộ sách Cánh Diều không có gì đáng kể, tình hình kinh doanh đang trên đà suy thoái sau 4 năm thua lỗ. (Ảnh minh họa).

Nguồn thu của VEPIC trước thời điểm ra mắt bộ sách Cánh Diều không có gì đáng kể, tình hình kinh doanh đang trên đà suy thoái sau 4 năm thua lỗ. (Ảnh minh họa).

Về tình hình kinh doanh, 4 năm trở lại đây doanh thu của VEPIC không mấy khởi sắc, lỗ liên tục. Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Công ty lần lượt đạt 2,8 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng, lãi thuần trong năm 2016 chỉ ở mức 133 triệu đồng, trước khi giảm xuống mức lỗ hơn 1,5 tỷ đồng vào năm 2017.

Trong năm 2018, VEPIC lỗ thuần là 10,38 tỷ đồng. Đến năm 2019, VEPIC ghi nhận doanh thu đạt 4,13 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế 14,4 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của VEPIC đạt 116,2 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu là 108,5 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 82,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này đang chịu lỗ lũy kế nhiều chục tỷ đồng.

199.000 đồng/bộ sách... NĐT Cánh Diều kiếm bộn tiền?

Trở lại với "Cánh diều", bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 này gồm có 9 cuốn, được bán với mức giá 199.000 đồng/bộ, đắt nhất trong 5 bộ sách giáo khoa thuộc chương trình phổ thông mới.

Theo VEPIC, đến nay, đã có 20 tỉnh đặt bộ sách giáo khoa Cánh Diều để giảng dạy năm học 2020 - 2021, với hơn 3 triệu bản sách được cung ứng cho các đơn hàng này. Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều cao như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Thái Bình, Long An, Tây Ninh,…

Theo tìm hiểu của PV, riêng năm học 2020-2021 cả nước có 8.756.621 học sinh tiểu học, trong đó riêng Hà Nội có 167.000 học sinh lớp 1, TP HCM tính riêng Quận Tân Phú (7.000 em) và quận 12 (10.093 em), riêng quận Hải Châu - Đà Nẵng 4.093 em.

Nếu làm phép tính thử lấy số học lớp 1 ở Hà Nội nhân với số tiền 199.000 đồng/bộ sách Cánh Diều (167.000 x 199.000), thì nhà đầu tư có thể sẽ thu về được số tiền khoảng 33,233 tỷ đồng.

Tương tự, tại TP HCM chỉ tính riêng 2 quận nói trên là 17.093 x 199.000 nghìn đồng/bộ sách Cánh Diều = 3,4 tỷ đồng. Đà Nẵng riêng quận Hải Châu 4.093 x 199.000 nghìn đồng/bộ sách Cánh Diều = 8,1 tỷ đồng...

Từ những thông tin trên có thể thấy, nguồn thu của VEPIC trước thời điểm ra mắt bộ sách Cánh Diều là không đáng kể. Điều này khiến dư luận dấy lên nghi vấn về phi vụ bán sách giáo khoa Tiếng Việt “Cánh Diều” có phải là “cái cọc cứu” của VEPIC đang trên đà suy thoái sau 4 năm thua lỗ, thậm chí nhà đầu tư này còn kiếm bộn tiền?

Hiện tại, ngoài đồng biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều, VEPIC còn chịu trách nhiệm tái bản một số sách thuộc chương trình tiểu học do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành, các sách dành cho giáo viên thuộc bộ Cánh Diều,…

Khánh Hoài

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/sgk-tieng-viet-1-ndt-canh-dieu-chet-duoi-vo-duoc-coc-kiem-bon-tien-1447209.html