Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 5: Thành công thương vụ lớn nhất gọi vốn 2 triệu USD

Tập 5 Shark Tank Việt Nam mùa 6: Nền tảng cho thuê căn hộ dịch vụ Aplus Home, nền tảng kết nối mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Inmergers và Sale Mall – công ty cung cấp giải pháp SaaS về quản lý bán hàng. Startup nào thành công gọi vốn?

Công ty định giá 6 triệu USD, doanh thu 35 tỷ

Xuất hiện tại tập 5 Shark Tank Việt Nam, anh Đào Quý Phi - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Aplus Home - nền tảng cho thuê căn hộ dịch vụ đã gọi vốn thành công 2 triệu USD từ Shark Hưng.

Đây là thương vụ lớn nhất của Shark Tank mùa 6 từ tập đầu tiên đến nay.

Đào Quý Phi - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Aplus Home.

Đào Quý Phi - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Aplus Home.

Aplus Home là một nền tảng công nghệ kết nối chủ nhà và những nhà đầu tư riêng lẻ nhằm tận dụng nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để mang đến mang đến giải pháp căn hộ dịch vụ cho các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, nền tảng này còn giúp giải quyết nỗi ám ảnh của nhiều chủ nhà về dòng tiền ổn định (các chủ nhà thường gặp phải tình trạng không thể lấp đầy phòng trống hay các khách thuê vài tháng lại thay đổi).

Nhận thấy nhu cầu thực tế của thị trường cho vấn đề này là rất lớn, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có đến 9 triệu người đang đi thuê, trong đó có 2 triệu người thuộc phân khúc khách hàng mục tiêu, Aplus Home đã chọn thế mạnh là phát triển theo chuỗi: từ việc cung cấp nội thất, thiết kế cho đến quản lý vận hành, kể cả việc tạo ra nguồn cung phòng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đào Quý Phi và Shark Hưng bắt tay thành công thương vụ lớn nhất từ đầu mùa đến nay.

Đào Quý Phi và Shark Hưng bắt tay thành công thương vụ lớn nhất từ đầu mùa đến nay.

Theo chia sẻ của anh Phi, tỷ lệ lấp đầy phòng của Aplus luôn luôn trên 95%.

Tiết lộ về bức tranh tài chính, anh Phi cho biết: Aplus Home "khai sinh” từ năm 2021 trong thời kỳ Covid và riêng năm nay chỉ tập trung phát triển công nghệ cũng như tối ưu hóa mô hình nên doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu.

Đến năm 2022, sau khi triển khai những địa điểm đầu tiên, Aplus bắt đầu có doanh thu 7 tỷ.

6 tháng đầu năm 2023, Aplus Home đã đạt doanh thu là 12 tỷ và theo kế hoạch dự kiến sẽ đạt doanh thu 35 tỷ trong năm nay.

Giám đốc Aplus Home cũng chia sẻ thêm, hiện tại doanh thu của công ty đến từ 3 mảng chính.

Mảng lớn nhất, chiếm thị phần cao nhất khoảng trên 70% đó là doanh thu từ việc cho thuê phòng, 25% đến từ việc quản lý vận hành, 5% còn lại chính là dịch vụ giá trị gia tăng.

Khi được Shark Hưng hỏi về những lý do khiến tỷ lệ lấp đầy phòng của Aplus Home luôn trên 95%, anh Phi cho biết: “Giá của tụi em về cơ bản ngang với thị trường. Tuy nhiên concept đẹp, chất lượng quản lý vận hành của tụi em đã được minh chứng khi khách hàng họ chỉ bắt đầu thuê một cái nhà hợp đồng 6 tháng. Tuy nhiên sau 6 tháng họ sẽ gia hạn tiếp tục”.

Anh Phi cũng ước tính rằng lợi nhuận thu được rơi vào khoảng 35-40% cho mỗi tòa nhà.

Shark Hùng Anh kêu vô lý, Shark Hưng và Shark Bình vẫn tranh nhau xuống tiền

Shark Hùng Anh cho rằng con số này là vô lý: “Giờ tiền thu về thứ nhất bạn trả cho chủ nhà. Thứ hai bạn renovation - bạn sửa lại, thứ ba bạn trả cho ông đầu tư. Còn lại của bạn rất là thấp".

Shark Hùng Anh (ảnh to) - Shark Hưng và Shark Bình (ảnh nhỏ)

Shark Hùng Anh (ảnh to) - Shark Hưng và Shark Bình (ảnh nhỏ)

Vị Co-Founder Aplus Home bình tĩnh làm rõ: “Tức Aplus đi thuê các nhà, thị trường bao nhiêu thì vẫn thuê như thế và bán ra giá phòng bao nhiêu cũng giống theo thị trường. APlus có lợi nhuận ở giữa chính là tỷ lệ lấp đầy. Thời gian hoàn vốn trực tiếp của Aplus với các tòa nhà thường từ 15 đến 18 tháng”.

“Tại sao chủ nhà đó không tự đầu tư mà lại phải nhờ bạn kết nối với một nhà đầu tư khác?”, Shark Hưng thắc mắc.

Quý Phi cho biết, khi hợp tác với Aplus, cái được của chủ nhà là có thương hiệu vào vận hành, làm đẹp căn nhà và tạo dòng tiền về ổn định. Nếu chủ nhà đã sửa sang xong, Aplus sẽ cung cấp gói quản lý vận hành.

Sau phần chia sẻ và giải thích chi tiết của Giám đốc Aplus Home, các Shark đã hiểu hơn về mô hình này. Tuy nhiên, Shark Bình và Shark Hưng đều không đồng tình với mức định giá doanh nghiệp hiện tại của anh Phi.

Shark Bình cho rằng valuation cap (giới hạn định giá) của startup phù hợp với giai đoạn bong bóng công nghệ đang nổ ra vào năm 2021.

Bước sang 2022, bong bóng công nghệ đã vỡ, khẩu vị đầu tư của giới công nghệ đã thay đổi nên Chủ tịch NextTech cho rằng định giá đưa ra phải thực tế hóa.

Thuyết phục Shark bằng hiệu quả kinh doanh thực tế, vị Co-Founder Aplus Home tiết lộ: “Aplus đã break even (hòa vốn) vào tháng 6 vừa rồi và dương dòng tiền từ tháng 6. Doanh thu dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt ít nhất là 35 tỷ với ebitda (lợi nhuận trước thuế) rơi vào khoảng 23%”.

Ấn tượng với những con số mà startup đã chia sẻ, Shark Bình đề nghị đầu tư 2 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần, tương đương pre-money (định giá doanh nghiệp trước khi rót vốn) là 6 triệu USD.

Sau khi cân nhắc, Shark Hưng cho biết ông sẽ đầu tư 2 triệu USD cho Aplus, trong đó 500 ngàn USD đổi lấy 4% cổ phần (tương đương giới hạn định giá là 12 triệu USD); 1,5 triệu USD là tiền đầu tư với điều kiện hoàn vốn trong vòng 24 tháng. Nếu startup đạt được điều kiện đó, 1,5 triệu USD này sẽ được chuyển thành cổ phần với định giá doanh nghiệp cao nhất là 20 triệu USD.

Cuối cùng, Đào Quý Phi chấp nhận đề nghị của Shark Hưng, khép lại thương vụ lớn nhất từ đầu Shark Tank mùa 6 với khoản đầu tư 2 triệu USD.

2 startup ra về tay trắng

Inmergers - một startup ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam kêu gọi đầu tư 200 ngàn USD cho 4% cổ phần.

Đại diện của startup này là hai nhà sáng lập gồm Thảo Nguyễn – Giám đốc điều hành và Toàn Phạm – Giám đốc tiếp thị của công ty.

Inmergers định hướng trở thành một nền tảng, thu hút user (người dùng) là các broker (người môi giới). Theo lộ trình phát triển, startup này sẽ IPO (Initial Public Offering – chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) vào năm 2028.

Anh Toàn Phạm – Giám đốc tiếp thị của công ty Inmergers - (bên trái) và anh Đức Nguyễn – đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của SaleMall.

Anh Toàn Phạm – Giám đốc tiếp thị của công ty Inmergers - (bên trái) và anh Đức Nguyễn – đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của SaleMall.

Mô hình của Inmergers được phát triển qua các Country Partner – đối tác cao cấp tại từng quốc gia, franchise partner và broker. Sau 8 tháng, Inmergers đã phát triển được mạng lưới 300 broker và 7 Country Partner.

Doanh thu đạt khoảng 400 triệu đến từ dịch vụ gia tăng và phí đăng tin hiển thị của các broker, buyer (người mua). Trong đó, phần lớn là doanh thu của dịch vụ gia tăng. Tuy nhiên cũng ra về tay trắng.

SaleMall được thành lập từ đầu năm 2018, cung cấp các sản phẩm phục vụ quản lý bán hàng và marketing như: hệ thống cung cấp nguồn hàng; hệ thống quản lý bán hàng đa kênh; marketing tự động bằng công nghệ AI; chatbot, callbot; cổng kết nối với đơn vị vận chuyển; hệ thống thanh toán…

Sau 5 năm phát triển, SaleMall đã có hơn 300 ngàn user (người dùng) và mở rộng kinh doanh sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đức Nguyễn cho biết, SaleMall đã hòa vốn vào năm 2021. Đến năm 2022, doanh thu của SaleMall đạt 600 ngàn USD, đến từ 3 sản phẩm chính là: hệ thống SaaS (Software as a service – phần mềm dạng dịch vụ), phần mềm quản lý bán hàng và phần mềm marketing tự động.

SaleMall đang cung cấp dịch vụ cho hơn 100 ngàn khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Trong đó, có gần 32 ngàn shop trả tiền.

Đức Nguyễn chỉ ra USP của SaleMall chính là con người với khoảng 100 nhân sự. Đội ngũ BOD (Board of Directors - Ban giám đốc) của startup đã đi với nhau nhiều năm. Ngoài ra còn có đội ngũ Dev (Developer – lập trình viên) và đội chăm sóc khách hàng “không bao giờ tắt chat và tắt đèn trước 11 giờ tối, kể cả Lễ, Tết”.

“600 ngàn USD sao bạn trả lương cho tới 100 nhân viên được?", Shark Hùng Anh đặt vấn đề và thấy lương nhân viên thấp. Các Shark từ chối thương vụ trên.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/shark-tank-viet-nam-mua-6-tap-5-thuong-vu-lon-nhat-thanh-cong-goi-von-2-trieu-usd-19223103101151348.htm