SHB và tham vọng lớn từ trụ sở mới trên 'đất kim cương' giữa lòng Hà Nội

Trụ sở mới dự kiến khởi công vào cuối năm 2025, giữa thời điểm SHB thông qua nhiều kế hoạch tham vọng.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB (phải) và ông Đỗ Quang Vinh (trái), Phó chủ tịch HĐQT SHB tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Ảnh: SHB

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB (phải) và ông Đỗ Quang Vinh (trái), Phó chủ tịch HĐQT SHB tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Ảnh: SHB

Dưới ánh sáng rực rỡ của hội trường chính, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn -Hà Nội (SHB) ngồi cạnh Phó chủ tịch Đỗ Quang Vinh, cả hai nở nụ cười tươi trước hàng trăm cổ đông đang chăm chú theo dõi.

Nhưng niềm vui của ông Hiển hôm ấy không chỉ đến từ việc cổ phiếu SHB vừa có chuỗi phiên “gây bão” trên sàn, với khối lượng khớp lệnh kỷ lục và giá cổ phiếu tăng mạnh. Ông hào hứng vì một điều khác - mang tính biểu tượng hơn.

“Nếu không có gì thay đổi, năm nay SHB sẽ khởi công trụ sở mới tại trung tâm thủ đô,” ông tuyên bố, với vẻ phấn khích không che giấu, trước đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. “Hiện tại, chúng tôi đang tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý và trình các hồ sơ liên quan lên các cơ quan quản lý nhà nước để được phê duyệt.”

Câu nói ấy không chỉ là một thông báo. Nó là điểm nhấn cho một dự án được ông Hiển ấp ủ nhiều năm, trên một khu đất mà ông gọi là “kim cương” với ba mặt tiền tại ngã ba Hàng Bài - Lý Thường Kiệt - Vọng Đức, chỉ cách Hồ Gươm vài bước chân và cũng là một trong số ít vị trí đắc địa cuối cùng tại trung tâm Hà Nội đủ lớn để xây một tòa nhà hiện đại.

Trụ sở mới của SHB, theo quy hoạch vừa được thành phố Hà Nội phê duyệt, sẽ gồm 14 tầng, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 2.200m2. Ông Hiển kỳ vọng đây sẽ trở thành trung tâm tài chính – ngân hàng hiện đại, không chỉ là biểu tượng định vị thương hiệu SHB tại Hà Nội mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của ngân hàng trong mắt cổ đông, đối tác và khách hàng.

Việc xúc tiến dự án diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này đang theo đuổi một loạt kế hoạch tăng trưởng tham vọng, vừa được cổ đông thông qua - từ mở rộng mạng lưới hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đến tái định vị hình ảnh trong mắt thị trường và nhà đầu tư.

Lợi nhuận tăng mạnh

Năm nay, SHB đặt mục tiêu dư nợ cấp tín dụng ở mức 617.624 tỷ đồng, tăng 16% so với mức thực hiện năm ngoái, trong khi tổng tài sản dự kiến đạt 832.221 tỷ đồng, tăng 11%.

Nhà băng cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 18%, bao gồm 5% tiền mặt và 13% cổ phiếu. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên xấp xỉ 46.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí Top 5 ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất.

Nguồn vốn tăng thêm sẽ dự kiến sử dụng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý III hoặc quý IV/2025 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.

Đặc biệt, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 25% – mức tăng trưởng cao nhất trong các chỉ tiêu tài chính.

Để thực hiện kế hoạch trên, SHB dự kiến triển khai năm nhóm giải pháp gồm: phát triển khách hàng; tổ chức bộ máy nhân sự; chuyển đổi số; quản trị rủi ro và thúc đẩy tài chính xanh.

Kế hoạch tham vọng của SHB được hậu thuẫn bởi kết quả kinh doanh quý I/2025 ấn tượng.

Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 4.400 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch cả năm 2025.

Tổng tài sản hợp nhất của nhà băng đạt hơn 790.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024. Dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 575.000 tỷ đồng.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, trong quý I, nhà băng tăng trưởng tín dụng khoảng 7,8%. Tín dụng tăng mạnh nhờ SHB phát triển mạnh khách hàng chiến lược, khách hàng doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa cũng như nhóm khách hàng bán lẻ.

“Chúng tôi tự tin đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Tăng trưởng sẽ trong các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao, logistics… Hiện SHB đã có danh mục khách hàng rất lớn các lĩnh vực này”, bà Hà chia sẻ.

Về chất lượng tài sản, bà Hà cho biết tỷ lệ nợ xấu của SHB được duy trì ở ngưỡng an toàn. Đặc biệt là bất động sản – lĩnh vực hiện chiếm 24,5% tổng dư nợ của SHB - có tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,1%.

Siêu dự án công nghệ “Bank of Future”

Cùng với kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo SHB xác định năm 2025 là thời điểm đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin.

Một số các dự án trọng điểm công nghệ như SHB SAHA, SAHA Branch, Core Thẻ, nâng cấp Core Banking, các ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo được phát triển để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa các quy trình vận hành và quản trị dữ liệu…

SHB cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa kênh giao dịch số; tiếp tục phát triển giải pháp thanh toán số (QR Code, eKYC, AI Chatbot…); tích hợp hệ sinh thái số; và đẩy mạnh tài chính toàn diện.

Đặc biệt, ban lãnh đạo SHB nhấn mạnh dự án Ngân hàng tương lai (Bank of the Future - BOF), coi đây là dự án công nghệ trọng điểm.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB có chiến lược rõ ràng là đến 2028 sẽ là ngân hàng số một về hiệu quả và đưa ra mô hình với chiến lược công nghệ là ngân hàng tương lai.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB có chiến lược rõ ràng là đến 2028 sẽ là ngân hàng số một về hiệu quả và đưa ra mô hình với chiến lược công nghệ là ngân hàng tương lai.

Theo đó, nhà băng sẽ chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động và kinh doanh trên cơ sở xây dựng một ngân hàng có cấu trúc nền tảng quy trình kinh doanh, vận hành, năng lực phục vụ khách hàng tiên tiến, năng lực quản trị vượt trội.

Theo Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, trong chiến lược phát triển của SHB, nhà băng có chiến lược rõ ràng là đến 2028 sẽ là ngân hàng số một về hiệu quả và đưa ra mô hình với chiến lược công nghệ là ngân hàng tương lai.

“Trong đó, SHB có chiến lược lược bán lẻ trong bán buôn và chúng tôi có tệp khách hàng lớn, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng. Chúng tôi sẽ chọn lọc một số lĩnh vực ưu tiên chứ không dàn trải, lựa chọn tăng trưởng bền vững, an toàn trước rủi ro”, ông Hiển cho biết.

Lựa chọn đối tác chiến lược, thoái vốn khỏi công ty con

SHB là một trong những nhà băng tư nhân lớn hiện nay vẫn vắng bóng nhà đầu tư chiến lược. Từ đại hội cổ đông năm ngoái, ban lãnh đạo SHB đã đề cập tới vấn đề này và có tờ trình tìm cổ đông chiến lược.

Sang năm nay, ông Hiển cho biết SHB vẫn đang lựa chọn theo hướng tối đa hóa lợi ích cho ngân hàng và cổ đông.

“Tôi cũng nhiều lần chia sẻ SHB như ‘một cô dâu xinh đẹp tài năng, không phải chàng rể nào muốn đến cũng đến được’. Việc tìm kiếm đối tác chiến lược cần coi trọng lợi ích của ngân hàng, của các cổ đông”, ông Hiển nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thoái vốn khỏi công ty tài chính SHBFC, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại SHBFC cho ngân hàng Krungsri của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFC - Nhật Bản).

Với 50% cổ phần còn lại, Phó chủ tịch Đỗ Quang Vinh cho biết định hướng của HĐQT là SHB sẽ chuyển nhượng sớm hơn trong năm 2025 nhằm mang lại lợi ích cho ngân hàng và cổ đông.

SHB đang đàm phán và nộp lên Ngân hàng Nhà nước để chờ phê duyệt và ban lãnh đạo kỳ vọng phương án sẽ sớm được phê duyệt trong năm nay.

Về việc chuyển nhượng vốn tại SHB Lào, ngân hàng cùng nhà đầu tư đã ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại SHB Lào và hiện đã được NHTW Lào chấp thuận nguyên tắc. SHB và nhà đầu tư đang tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Về việc chuyển nhượng vốn tại SHB Campuchia, SHB đang lựa chọn đối tác phù hợp để thực hiện chuyển nhượng vốn hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của SHB Campuchia.

Tất cả đang tạo nên một bức tranh ngân hàng hiện đại, linh hoạt, sẵn sàng cho tương lai - mà trung tâm của nó, có lẽ, chính là tòa nhà 14 tầng sắp mọc lên giữa lòng Hà Nội.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/shb-va-tham-vong-lon-tu-tru-so-moi-tren-dat-kim-cuong-giua-long-ha-noi-d39848.html