Giá sầu riêng sụt giảm, nông dân vẫn có lãi

Giá sầu riêng liên tục sụt giảm dù chưa vào thời điểm chính vụ khiến nhiều nông dân ở Cần Thơ kém vui so với vụ sầu riêng năm trước.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, thương lái tại thành phố Cần Thơ và Tiền Giang đến các địa phương Phong Điền, Ô Môn, Thới Lai để thu mua sầu riêng.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, thương lái tại thành phố Cần Thơ và Tiền Giang đến các địa phương Phong Điền, Ô Môn, Thới Lai để thu mua sầu riêng.

Với giá bán giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, dao động từ 29.000 - 45.000 đồng/kg (sầu riêng Ri6) nhưng các nhà vườn cho biết nếu tiết giảm chi phí đầu vào thì vẫn có lợi nhuận.

Thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 7.000 ha trồng sầu riêng (tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền, quận Ô Môn); trong đó chủ lực là sầu riêng Ri6.

Có 1 ha trồng sầu riêng Ri6 đã 7 năm tuổi, bà Phan Thị Mỹ Linh, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền cho biết, vụ sầu riêng năm nay năng suất đạt 15 tấn, cao hơn năm ngoái 5 tấn. Tuy nhiên, giá sầu riêng năm nay giảm hơn 1/2 so với cùng kỳ năm 2024.

Theo bà Linh, cách đây nửa tháng bà đã chốt bán nguyên vườn (bán sô) cho thương lái từ Tiền Giang sang mua với giá bán 45.000 đồng/kg. Nhờ chốt "giá chết" (cố định giá) nên đợt cắt sầu riêng này giá vẫn không đổi.

"Do tôi chốt sớm nên bán được giá 45.000 đồng/kg. Giá thị trường hiện chỉ còn 40.000 đồng/kg", bà Linh cho hay.

Theo đánh giá của các nhà vườn, sầu riêng bán đợt này năng suất cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận không bằng. Ông Lê Văn Trực, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền có 7 công (7.000 m2) sầu riêng Ri6 được 7 năm tuổi, thu được khoảng 10 tấn trái. Với 150 cây sầu riêng, trừ chi phí 50 triệu đồng, vụ sầu riêng năm nay ông Trực lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Ông Trực nhẩm tính, năm ngoái, 7 tấn bán được 68.000 đồng/kg (bán sô) nhưng năm nay 10 tấn chỉ bán được giá 34.000 đồng/kg. Như vậy, năng suất trái vụ này cao hơn năm trước nhưng lợi nhuận giảm một nửa.

Đa số nhà vườn phản ánh sầu riêng rớt giá sâu so với năm ngoái nhưng nếu biết tính toán chi phí đầu vào (vật tư nông nghiệp, công chăm sóc,...) thì với mức giá như hiện nay nông dân vẫn thu lãi từ trái sầu riêng. Tuy nhiên, cũng có nhà vườn vì năm ngoái giá sầu riêng "cao chót vót" nên năm nay đầu tư phân bón, xử lý nghịch vụ khiến chi phí tăng cao mà giá bán không như kỳ vọng nên không có lãi.

Năm trước với 28.000 m2 sầu riêng cho "trái chiến" (lứa đầu tiên) chính vụ được 4 tấn, bà Nguyễn Thị Bảy, thị trấn Phong Điền bán được giá 57.000 đồng/kg. Nhận thấy đầu ra của sầu riêng được thị trường săn đón, xuất khẩu thuận lợi nên năm nay gia đình bà Bảy xử lý cây ra trái nghịch vụ, đầu tư công sức, chi phí khoảng 70 triệu đồng để trái đẹp, đều bán được giá cao.

Tuy nhiên, giá sầu riêng giảm, năng suất cũng giảm chỉ còn khoảng 2,5 tấn, tỷ lệ trái không đều, không đẹp nhiều nên thương lái chốt giá vườn sầu riêng nhà bà Bảy chỉ 29.000 đồng/kg. Theo bà Bảy, với giá bán này, gia đình vừa lỗ công, lỗ sức nhưng may mắn vẫn lấy lại được vốn đầu tư.

Ghi nhận từ các nhà vườn, mặc dù giá sầu riêng thấp và liên tục giảm nhưng thương lái không ép, "thuận mua vừa bán". Nông dân lựa chọn, so sánh, thỏa thuận với thương lái được giá thì bán.

Theo anh Huỳnh Minh Thắng, thương lái thu mua sầu riêng, vụ nghịch năm 2024 (từ khoảng tháng 9 - tháng 2 âm lịch) sầu riêng có giá rất cao khoảng 120.000 đồng/kg, năm nay sầu riêng nghịch vụ giá chỉ 60.000 đồng/kg. Đến thời điểm này đang bắt đầu vào chính vụ, giá sầu riêng cao nhất chỉ khoảng 45.000 đồng/kg; trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2024, giá sầu riêng từ 100.000 đồng/kg trở lên.

Theo thương lái từ Tết đến giờ, giá sầu riêng liên tục sụt giảm. So sánh giá ở một số tỉnh trồng sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, anh Thắng cho biết, giá bán ở Tiền Giang cao hơn vài nghìn đồng so với các tỉnh khác vì gần kho bãi nên chi phí vận chuyển thấp hơn.

Các nhà vườn và thương lái cho rằng, do sầu riêng xuất sang Trung Quốc bị vướng kiểm định dư lượng cadimi và vàng O nên sầu riêng khó tiêu thụ, dẫn đến giá sụt giảm.

Thu mua sầu riêng cho các công ty ở Tiền Giang, anh Huỳnh Minh Thắng cho biết, hiện sầu riêng chủ yếu tiêu thụ trong nước. Vụ sầu riêng này số lượng sầu riêng thu mua tăng hơn năm trước nhưng tiêu thụ chậm.

Với kinh nghiệm thu mua sầu riêng, anh Thắng dự đoán, khi sầu riêng vào chính vụ số lượng sẽ nhiều hơn, nếu việc xuất khẩu còn bị "ách tắc" thì giá sẽ tiếp tục sụt giảm. Nếu xuất khẩu sang Trung Quốc được "thông hành" thì có thể giá sầu riêng sẽ tăng lên.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ với giá bán sầu riêng hiện nay nhà vườn vẫn có lãi, bởi giá thành sản xuất chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ khuyến nghị nông dân không thể cứ quen với giá sầu riêng 80.000 - 100.000 đồng/kg, rồi khi giá rớt xuống 30.000 đồng/kg lại lao đao.

Tuy nhiên, trước thực trạng giá sầu riêng sụt giảm do đầu ra xuất khẩu gặp khó, ông Trần Thái Nghiêm cho rằng, sầu riêng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu trái tươi, bởi khi chính vụ hoặc trường hợp cửa khẩu “đóng băng”, giá giảm là điều khó tránh.

Do đó, ông Nghiêm kiến nghị các bên liên quan cần chú trọng thị trường nội địa; đồng thời, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến. Từ sầu riêng cấp đông, tách múi, đến các sản phẩm ăn liền, Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo hướng này.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ, việc được phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông đã tháo gỡ phần nào khó khăn. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật mới như cadimi, vàng O… tiếp tục là thách thức lớn với ngành hàng sầu riêng. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan trung ương phối hợp tốt hơn với địa phương để sớm loại bỏ các loại phân bón, hóa chất dễ gây tồn dư. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát và phản hồi vi phạm mã số vùng trồng và dư lượng.

Bài và ảnh: Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-sau-rieng-sut-giam-nong-dan-van-co-lai-20250423112639415.htm