Shein lập kho hàng lớn tại Việt Nam để phòng ngừa thuế quan Mỹ

Nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Shein đang thuê một kho hàng lớn tại Việt Nam, động thái có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại khó lường giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mở rộng kho hàng tại Việt Nam

Theo các nguồn tin, Shein, công ty được thành lập tại Trung Quốc và bán các sản phẩm như quần đùi đi xe đạp giá 5 USD hay váy suông giá 18 USD, đã đồng ý thuê gần 15 hecta đất công nghiệp để xây dựng kho hàng gần TP.HCM - trung tâm thương mại và giao thương của Việt Nam.

Shein lập kho hàng lớn tại Việt Nam để phòng ngừa thuế quan Mỹ.

Shein lập kho hàng lớn tại Việt Nam để phòng ngừa thuế quan Mỹ.

Nhà bán lẻ trực tuyến này, vốn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà cung cấp tại Trung Quốc để sản xuất quần áo cho thị trường Mỹ và các thị trường khác, đang bị kẹt giữa lằn ranh của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, dù gần đây căng thẳng đã có dấu hiệu giảm bớt.

Một trong các nguồn tin cho biết, Shein đã tìm kiếm thêm không gian lưu trữ ở miền Nam của Việt Nam ngoài kho hàng lớn - tương đương khoảng 26 sân bóng đá - để chứa quần áo và trang phục từ các nhà thầu trước khi xuất khẩu. Hiện chưa xác định nguồn gốc của các sản phẩm được lưu trữ trong kho thuê này.

Trước đây, Shein từng công bố kế hoạch tìm nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Các nhà cung cấp của Shein tại căn cứ sản xuất truyền thống ở miền Nam Trung Quốc cho biết họ đang mất đơn hàng vào tay Việt Nam, khi một số nhà sản xuất Trung Quốc đã mở nhà máy tại đây. Công ty đang tìm cách niêm yết tại London không trả lời các câu hỏi về việc thuê kho hàng. Trước đó, họ cũng phủ nhận việc chuyển dịch năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Khu vực xung quanh TP.HCM có sân bay quốc tế, cảng lớn nhất Việt Nam cho hàng nhập từ Trung Quốc và một cảng khác xử lý phần lớn hàng xuất khẩu đường biển sang Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt, Việt Nam đang siết chặt một số hàng nhập từ Trung Quốc, vốn bị Washington cho rằng từ lâu đã được chuyển qua Việt Nam để vào Mỹ nhằm tránh thuế cao hơn. Mặc dù vậy, không có thông tin chi tiết về hợp đồng thuê kho và chưa thể xác định liệu Shein có thể điều chỉnh kế hoạch nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục giảm, khiến việc đa dạng hóa ra nước ngoài bớt hấp dẫn.

Tuy nhiên, với tình hình bất ổn hiện nay, các nhà phân tích cho rằng Shein không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. "Việc không đa dạng hóa sẽ rất nguy hiểm cho họ", ông Manish Kapoor, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập công ty giải pháp chuỗi cung ứng thương mại điện tử Growth Catalyst Group nhận định.

Đội ngũ nhà cung cấp hùng hậu

Gã khổng lồ thời trang này đã xây dựng tại Trung Quốc một đội ngũ nhà cung cấp hùng hậu, có thể sản xuất áo crop-top và các mặt hàng thời trang nhanh khác với giá chỉ vài nhân dân tệ để đáp ứng nhu cầu quần áo giá rẻ từ người tiêu dùng Gen Z trên toàn cầu.

Shein có một đội ngũ nhà cung cấp hùng hậu tại Trung Quốc.

Shein có một đội ngũ nhà cung cấp hùng hậu tại Trung Quốc.

Shein cho biết họ đang mở rộng mạng lưới nhà thầu tại Trung Quốc và đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,37 tỷ USD) vào các dự án công nghiệp ở miền Nam nước này, bao gồm một trung tâm chuỗi cung ứng trị giá 500 triệu USD gần Quảng Châu. Giai đoạn đầu của trung tâm này, hiện đang được xây dựng, sẽ rộng khoảng 49 hecta, tương đương diện tích của Vatican.

Shein đã trở thành gã khổng lồ với doanh số bán hàng hơn 30 tỷ USD mỗi năm nhờ giá rẻ và các quy định thương mại ưu đãi, như miễn thuế "de minimis" của Mỹ cho phép nhập hàng giá thấp dưới 800 USD không chịu thuế.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ miễn trừ này cho sản phẩm Trung Quốc vào ngày 2/5, khiến các gói hàng của Shein phải chịu thuế 120%. Thế nhưng, thỏa thuận gần đây giữa Mỹ và Bắc Kinh đã giảm thuế xuống 54% cho các gói hàng trị giá 800 USD trở xuống và 30% cho các lô hàng thương mại giá trị thấp.

Sự hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây lo ngại cho các quốc gia được hưởng lợi từ căng thẳng này, nhưng các mức thuế hiện tại của Mỹ đối với Bắc Kinh vẫn giữ Việt Nam cạnh tranh, khi các lô hàng từ nước láng giềng của Trung Quốc vẫn được miễn thuế nếu trị giá 800 USD trở xuống.

Có điều, sự miễn trừ này có thể không kéo dài. Ông Kapoor cho biết, ông đang khuyên các khách hàng không nên dựa vào nhập khẩu "de minimis" kiểu drop-shipping từ bất kỳ đâu như một phần cốt lõi trong chiến lược logistics của họ.

"Chúng tôi khuyên mọi người nên chuẩn bị cho khả năng miễn trừ 'de minimis' này có thể hoàn toàn biến mất trong thời gian tới", ông Kapoor nói.

Các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang Mỹ hiện chịu thuế 10% cho đến tháng 7, khi mức thuế sẽ tăng lên 46% nếu Hà Nội không đạt được thỏa thuận với Nhà Trắng.

Đức Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/shein-lap-kho-hang-lon-tai-viet-nam-de-phong-ngua-thue-quan-my-192250515223346274.htm