Shein và Temu 'toát mồ hôi' trước đòn giáng thuế quan của ông Donald Trump
Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu; trong đó loại bỏ kẽ hở 'de minimis' - một cơ chế giúp hàng hóa giá trị thấp nhập khẩu vào Mỹ được miễn thuế…
Vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế quan bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Trung Quốc và Mexico kể từ ngày 4/2. Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, ông Trump đã đồng ý hoãn áp thuế 25% đối với Mexico và Canada trong 30 ngày nhưng vẫn sẽ giữ nguyên mức 10% với Trung Quốc.
Trong số loạt biện pháp thuế quan, ông Trump còn quyết định chấm dứt ngoại lệ “de minimis" – một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị dưới 800 USD khi chuyển đến tay khách hàng cá nhân tại Mỹ.
Trên thực tế, ngoại lệ “de minimis" vẫn luôn là một kẽ hở được nhiều nền tảng thương mại điện tử nước ngoài tận dụng để né thuế nhập khẩu. Theo báo cáo từ Hải quan Mỹ, từ năm 2018 đến 2021, khoảng 67% hàng hóa nhập khẩu theo cơ chế "de minimis" đến từ Trung Quốc.
Shein và Temu hiện chiếm 17% thị phần hàng giá rẻ tại Mỹ và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lỗ hổng này chính là yếu tố quan trọng giúp họ có thể phát triển nhanh chóng tại thị trường Mỹ.
Theo ông William Alan Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), việc loại bỏ ngoại lệ “de minimis" có thể gây ra tác động ngắn hạn đối với các sàn thương mại điện tử quốc tế và cả người tiêu dùng Mỹ. “Sẽ có một số khó khăn trước mắt nhưng có vẻ như các nền tảng đều tin rằng khách hàng sẽ chấp nhận thời gian giao hàng lâu hơn nếu vẫn được hưởng mức giá tốt”, ông Reinsch cho biết.
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Ryan Monarch từ Đại học Syracuse nhận định rằng không chỉ thuế quan mà cả chi phí bổ sung sẽ khiến giá thành hàng hóa tăng cao. Người bán sẽ phải chuẩn bị nhiều giấy tờ hơn và tính toán giá trị từng kiện hàng, còn nhân viên hải quan Mỹ cũng phải kiểm tra gắt gao hơn. "Một phần lý do mà cơ chế miễn thuế tồn tại là vì trước đây người ta cho rằng không đáng để kiểm tra từng kiện hàng có giá trị thấp như vậy”, ông Monarch giải thích.
Ước tính, các động thái tăng giá có thể dao động từ 25% đến 30%. Ông Monarch cho rằng các công ty sẽ không chịu lỗ mà sẽ chuyển chi phí này sang người tiêu dùng Mỹ. Nhóm thu nhập thấp – những người thường mua sắm trên các trang thương mại điện tử giá rẻ – sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Và dù cho rằng việc chấm dứt ngoại lệ “de minimis" không hợp lý về mặt kinh tế, nhưng ông Monarch lưu ý, chính phủ Mỹ có thể có những lý do nhất định để thực hiện việc này, ví dụ như ngăn chặn fentanyl xâm nhập vào Mỹ.
Cơ chế “de minimis" được triển khai lần đầu vào năm 1938. Đến năm 2015, Quốc hội Mỹ nâng giới hạn từ 200 USD lên 800 USD, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại đối với các kiện hàng nhỏ lẻ, vốn được xem là vô hại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế này lại bị lợi dụng để vận chuyển ma túy và hàng thời trang nhanh tránh thuế.
Có nhiều suy đoán rằng các công ty có thể chuyển sang nhập hàng theo lô vào kho tại Mỹ, chịu thuế nhập khẩu rồi mới phân phối đến khách hàng. Một phương án khác là vận chuyển hàng qua nước thứ ba để né thuế, dù tính hợp pháp của cách này vẫn là dấu hỏi.
Không chỉ riêng Mỹ, mà một số quốc gia khác cũng có những động thái tương tự về cơ chế miễn thuế. Cụ thể, EU đang tiến hành một kế hoạch áp thuế hàng giá rẻ. Hiện tại, mức miễn thuế nhập khẩu của EU là hàng hóa dưới 150 Euro, còn ở Anh là 135 bảng. Các nhà bán lẻ như Shein đã tận dụng điều này để vận chuyển hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mà không phải trả thuế nhập khẩu. Năm ngoái, có khoảng 2,3 tỷ sản phẩm miễn thuế được nhập khẩu vào EU, theo Financial Times.
Trong khi đó, chính phủ Nam Phi đã sớm ban hành quy định yêu cầu người tiêu dùng phải chịu thuế nhập khẩu tiêu chuẩn khi mua hàng từ Shein và Temu kể từ ngày 1/7/2024. Trước đó, hai nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã nhanh chóng mở thị phần và gây áp lực cạnh tranh lên các nhà bán lẻ địa phương. Shein ra mắt tại Nam Phi năm 2020 và trở thành ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất năm 2023. Temu gia nhập vào tháng 1/2024 và chỉ sau 3 tháng đã trở thành ứng dụng mua sắm số một nhờ chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên Google và Facebook.
Tại Việt Nam, kể từ ngày 18/2, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.