Shell đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi năng lượng sau phán quyết của Tòa án Hà Lan
Reuters 9/6/2021 đưa tin CEO Shell Ben van Beurden cho biết Shell sẽ tìm cách đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi năng lượng của mình và cắt giảm khí thải nhiều hơn sau phán quyết đánh dấu mốc của Tòa án Hà Lan; một bước đi có thể sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể việc kinh doanh dầu khí của công ty.
Ben van Beurden cho biết Shell có kế hoạch kháng cáo phán quyết ngày 26/5/2021 của Tòa án Hà Lan yêu cầu công ty cắt giảm khí thải nhà kính 45% mức của năm 2019 vào năm 2030, cắt giảm nhiều hơn đáng kể so với mức dự tính của công ty. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa yêu cầu việc thực thi ngay lập tức và không thể đảo ngược cho đến khi có phán quyết mới của Tòa phúc thẩm. “Đối với Shell, phán quyết này không có nghĩa là một sự thay đổi, mà là việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược của chúng tôi”. Cổ phiếu của Shell đã tăng 0,8% .
Đầu năm 2021, Shell đặt ra một trong những chiến lược khí hậu tham vọng nhất trong ngành dầu khí. Mục tiêu của Shell là cắt giảm cường độ phát thải carbon trong các sản phẩm của mình ít nhất là 6% vào năm 2023, 20% vào năm 2030, 45% vào năm 2035 và 100% vào năm 2050 từ mức của năm 2016. “Bây giờ chúng tôi sẽ tìm cách cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa mà vẫn có lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là cần phải có những bước đi mạnh mẽ trong những năm tới”. Hiện nay, Shell có kế hoạch tăng chi phí cho các công nghệ tái tạo năng lượng và carbon thấp, tới mức bằng 25% tổng ngân sách vào năm 2025.
Phán quyết của Tòa án Hà Lan được đưa ra không lâu sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng cần phải ngừng đầu tư mới vào các dự án nhiên liệu hóa thạch để có thể đáp ứng các mục tiêu làm giảm trái đất nóng lên được Liên hợp quốc ủng hộ. Các nhà phân tích cho rằng phán quyết có thể dẫn đến việc sụt giảm tới 12% sản lượng năng lượng của công ty, đặc biệt là sụt giảm mạnh việc bán dầu khí.
Shell là một trong những công ty hàng đầu thế giới về thương mại dầu khí, cho biết việc xả khí carbon của công ty đạt đỉnh vào năm 2018, trong khi sản lượng dầu đạt đỉnh vào năm 2019 và đang giảm từ 1% đến 2% mỗi năm.
Phán quyết của Tòa án ở La Hay, nơi đặt trụ sở của Shell, có thể khởi nguồn thúc đẩy hành động chống các công ty năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, Ben van Beurden kêu gọi các chính phủ và các công ty giải quyết vấn đề tiêu thụ dầu khí toàn cầu, chứ không phải chỉ vấn đề cung cấp dầu khí. “Thử tưởng tượng hôm nay Shell quyết định ngừng bán dầu và xăng, như vậy sẽ cắt giảm khí thải carbon của Shell. Tuy nhiên, điều đó không giúp ích gì cho thế giới. Nhu cầu về xăng sẽ vẫn không thay đổi. Mọi người vẫn đổ xăng cho xe ô tô và các trạm xăng vẫn cung cấp xăng cho xe tải”. “Việc Tòa án đưa ra phán quyết yêu cầu công ty năng lượng cắt giảm khí thải của công ty và khí thải của các khách hàng của mình- không phải là câu trả lời cho vấn đề cắt giảm khí thải trên thế giới”. /.