Shinhan Bank: 'Tỷ giá sẽ đạt đỉnh vào quý III rồi hạ nhiệt'

Theo các chuyên gia, đồng Việt Nam sẽ mất giá nhẹ và dự kiến sẽ phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.

Theo báo cáo từ Shinhan Bank, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt. Các chuyên gia từ Shinhan Bank dự báo tỷ giá USD/VND bình quân năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 25.040 đồng.

Lý giải về nhận định tỷ giá USD/VND sẽ tăng trong quý III, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Shinhan Bank Lee Young Hwa cho rằng việc tỷ giá là điều không thể tránh khỏi do các yếu tố bên ngoài như chênh lệch lãi suất với Mỹ, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và xung đột địa chính trị.

Dự báo tỷ giá USD/VND. (Nguồn: Shinhan Bank).

Dự báo tỷ giá USD/VND. (Nguồn: Shinhan Bank).

VND chịu áp lực từ những yếu tố quốc tế

Năm 2024, mặc dù các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện, tỷ giá USD/VND vẫn tăng lên mức cao kỷ lục do đồng USD mạnh và những diễn biến bất ổn tại Trung Quốc. Về cơ cấu thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, do vậy kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền kinh tế Trung Quốc.

Đến hết tháng 1/2024, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc là 18% và tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc là 32%. Do chịu nhiều tác động từ Trung Quốc, việc suy thoái kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ gây áp lực lên đồng Việt Nam.

Diễn biến lãi suất chính sách giữa Việt Nam và Mỹ. (Nguồn: Shinhan Bank).

Diễn biến lãi suất chính sách giữa Việt Nam và Mỹ. (Nguồn: Shinhan Bank).

Bên cạnh đó, những nỗ lực hạn chế đà tăng tỷ giá bị giới hạn do các yếu tố tích cực trong nước chỉ xuất hiện sau khi Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) xoay trục chính sách. Với tốc độ lạm phát giảm chậm, triển vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed đã giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc xoay trục chính sách vẫn còn khi chỉ số CPI trong tháng 5 cho thấy tín hiệu hạ nhiệt.

Trong cuộc họp tháng 6 của FOMC, xu hướng lạm phát giảm đã được xác nhận, tuy nhiên chưa đủ căn cứ về việc lạm phát sẽ giảm về mức mục tiêu nên số lần cắt giảm lãi suất dự kiến trong năm nay đã giảm từ ba lần xuống một lần. Nếu lạm phát tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong hai tháng tới, dự báo Fed có thể thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất sớm nhằm giảm thiểu rủi ro và ổn định kinh tế.

Một yếu tố nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu ông Trump tái đắc cử sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, khả năng cao sẽ có nhiều thay đối trong chính sách thương mại đối với Việt Nam khi Mỹ thắt chặt chính sách bảo hộ thương mại.

"Dù không có sự thay đổi trong chính sách gần bờ để thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn, nhưng thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể sẽ gây khó khăn cho Việt Nam", chuyên gia từ Shinhan Bank đánh giá.

Do đó, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như xung đột Trung Đông, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.

USD Index gần mốc 106, tỷ giá chịu áp lực rất lớn

Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự đã góp phẩn hạn chế tỷ giá USD/VND tăng cao. Tuy nhiên, đồng Việt Nam sẽ mất giá nhẹ và dự kiến sẽ phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.

Dự trữ ngoại hối giảm mạnh do NHNN bán USD để can thiệp tỷ giá.(Nguồn: Shinhan Bank).

Dự trữ ngoại hối giảm mạnh do NHNN bán USD để can thiệp tỷ giá.(Nguồn: Shinhan Bank).

Bình luận về diễn biến tỷ giá, bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao, VinaCapital cũng cho rằng VND dù có thể kiểm soát các yếu tố nội tại nhưng còn những yếu tố bên ngoài như là sức mạnh USD hay là giá vàng thế giới thì rất khó để có thể kiểm soát.

"Khi USD Index ở quanh mốc 104 thì áp lực đối với VND khá là 'dễ thở' còn bất cứ khi nào USD Index quay trở lại mốc gần 106 thì tỷ giá lập tức chịu áp lực rất lớn", bà Huyền cho biết.

Trong nửa đầu năm, NHNN đã chủ động hút thanh khoản để giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD và cũng đã bán khoảng 6 tỷ USD tính từ đầu năm. Bên cạnh đó, các nhà điều hành cũng cố gắng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ mức chênh gần 25% xuống còn khoảng 5%.

Dù vậy, hiện VND đã mất giá gần 5% tính từ đầu năm và có thể tiếp tục mất giá trong quý III cho đến khi nào Fed hạ lãi suất. Sau giai đoạn đó, tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt và hỗ trợ bởi thặng dư thương mại, lượng kiểu hối về Việt Nam vẫn tiếp tục tốt và FDI giải ngân tích cực. Đây là những yếu tố sẽ hỗ trợ bình ổn tỷ giá trong nửa cuối năm, chuyên gia từ VinaCapital đánh giá.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/shinhan-bank-ty-gia-se-dat-dinh-vao-quy-iii-roi-ha-nhiet.html