Shipper ở Đà Nẵng mặc đồ bảo hộ đi giao hàng trong ngày đầu hoạt động trở lại
Các shipper được hoạt động giao lương thực, thực phẩm cho người dân ở Đà Nẵng phải mặc áo quần bảo hộ trong suốt quá trình làm việc.
Từ 8 giờ 30 ngày 23-8, TP Đà Nẵng cho phép hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được giao hàng cho các hộ gia đình có nhu cầu. Thời gian hoạt động đến 20 giờ cùng ngày; các ngày sau đó hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày.
Hàng hóa được phép giao nhận, vận chuyển gồm: lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu từ các trung tâm thương mại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, công ty thương mại đầu mối.
Shipper phải đảm bảo các điều kiện: Đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19; xét nghiệm định kỳ 3 ngày/1 lần bằng phương pháp PCR; tuân thủ nghiêm 5K và mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế; có thẻ nhận diện tham gia giao thông do Công an TP Đà Nẵng cấp kèm giấy tờ tùy thân và các giấy tờ xác nhận đã tiêm vắc-xin, đã xét nghiệm.
Tính đến hết ngày 22-8, TP Đà Nẵng đã thông qua danh sách cho khoảng gần 800 shipper của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, công ty thương mại đầu mối trên địa bàn đủ điều kiện được hoạt động.
Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Coopmart Đà Nẵng cho biết hiện tại siêu thị vẫn đảm bảo cung ứng các mặt hàng rau, củ, quả từ các nhà cung cấp ở TP Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng, TP Hội An - tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng. Siêu thị đang khan hiếm nguồn cung hải sản do cảng cá Thọ Quang vẫn còn đóng cửa. Bên cạnh đó, các mặt hàng như trái cây, các loại rau gia vị hiện cũng khan hiếm.
Nói về việc giao hàng của siêu thị, ông Thanh cho hay bình thường đơn vị chỉ có khoảng 5 người làm ở vị trí shipper. Trước tình hình thực tế này, siêu thị đã tăng cường thêm nhân viên để hoạt động giao hàng và hiện tại đã có 30 shipper đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan chức năng.
Ông Lê Đình Hiến, nhân viên giao hàng của Coopmart Đà Nẵng, cho biết để đáp ứng nhu cầu của người dân, đội ngũ giao hàng đã cố gắng hết sức và làm việc hết công suất. "Chúng tôi ý thức thực hiện đúng 5K và cả trang phục y tế. Trong giai đoạn này, chúng tôi động viên nhau cố gắng để có thể giao hàng cho bà con một cách nhanh nhất" - ông Hiến nói.
Trước đó, từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8, TP Đà Nẵng thực hiện dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, thực hiện nghiêm nguyên tắc "ai ở đâu ở đó", người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Các cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị; tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức "3 tại chỗ" (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Tiếp đó, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định tiếp tục kéo dài biện pháp này thêm 3 ngày nữa, kể từ 8 giờ ngày 23-8.
7 ngày phong tỏa với 2 đợt xét nghiệm tách hàng trăm F0
Trong 7 ngày thực hiện "ai ở đâu thì ở đó", ngành y tế Đà Nẵng đã tiến hành 2 đợt xét nghiệm toàn dân. Đợt 1 từ ngày 16 đến 18-8, xét nghiệm 360.332 lượt người (đạt tỷ lệ 101,1%): phát hiện 142 ca mắc; trong đó: khu vực phong tỏa: 55 ca, đại diện hộ gia đình: 81 ca, lực lượng phòng, chống dịch các cấp, cung ứng hàng hóa: 6 ca.
Đợt 2 từ ngày 19 đến 22-8, đã xét nghiệm 373.283 lượt người (đạt tỷ lệ 102,41%): phát hiện 140 ca mắc; trong đó: khu vực phong tỏa: 48 ca, đại diện hộ gia đình: 92 ca.