Shopee và Phimmoi bị liệt vào danh sách đen của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR)
Shopee - nền tảng Thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á và Đài Loan cùng Phimmoi và hai khu chợ nổi tiếng bị liệt vào danh sách đen của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Cú tuýt còi nghiêm ngặt của USTR
Ngày 14/1/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố báo cáo "Danh sách những nơi diễn ra hoạt động mua bán các sản phẩm giả mạo và trái phép năm 2020" (gọi tắt Báo cáo NML 2020).
Báo cáo là kết quả của lần kiểm tra không định kỳ thứ 11 bắt đầu từ ngày 1/10/2020 của USTR. Mục đích của báo cáo là thúc đẩy hành động chính trực của khối tư nhân và Chính phủ các quốc gia nhằm giảm tình trạng làm hàng giả và vi phạm bản quyền.
Liên quan đến danh sách đen này, Việt Nam bị điểm tên những địa chỉ sau: Shopee (nền tảng thương mại điện tử trụ sở tại Singapore), Phimmoi (trang web xem phim trực tuyến) và hai chợ lớn là Bến Thành (TP.HCM) và Đồng Xuân (Hà Nội).
Nền tảng thương mại điện tử Shopee tại Việt Nam. Nguồn: TL
Thẻ vàng cho Shopee
Khác với tình trạng tồn tại do thói quen của trang web xem phim hỗ trợ tiếng Việt và hai chợ truyền thống lâu đời, Shopee được chú ý hơn cả vì những đặc thù của mua hàng trực tuyến: giao hàng thẳng tới khách hàng, cơ quan chức năng khó phát hiện, khó xử lý, đồng thời tốc độ tiêu thụ hàng giả mạo tăng tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng.
Đối với Shopee, hoạt động mua bán hàng giả mạo trên tất cả các nền tảng Shopee tại Đông Nam Á và Brazil hiện được bên giữ bản quyền báo cáo ở mức rất cao. Shopee bị cáo buộc không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba.
Ngoài ra các bên giữ bản quyền còn cho biết Shopee không có các quy trình hoặc công cụ nhằm thực hiện các thủ tục thông báo và gỡ bỏ, công cụ chống hàng giả cũng như thông tin cần thiết về quyền hỗ trợ khiếu nại hàng giả. Người bán hàng giả mạo chỉ bị đóng băng tài khoản sau khi nhiều sự vụ khiếu nại gia tăng.
Không chỉ USTR, Ủy ban châu Âu (EC) cũng từng liệt Shopee vào “danh sách theo dõi” (Watch List) công bố ngày 14/12/2020 khi nhiều bên giữ bản quyền tố cáo nền tảng thương mại này bán lượng lớn hàng giả mạo thuộc các lĩnh vực: đồng hồ, trang sức, đồ da, quần áo, phụ kiện thời trang, thực phẩm và đồ uống.
Phản hồi các cáo buộc trong danh sách của EC, Shopee cho biết đã ra quy định nghiêm cấm bán hàng giả trên các nền tảng. Đồng thời, Shopee cũng đã đặt thông báo và ra quy trình hỗ trợ chủ sở hữu thương hiệu báo động hàng giả và cam kết xử lý các khiếu nại trong vòng một tuần tính từ ngày nhận được một khiếu nại hợp lệ với tài liệu đầy đủ.
Tuy vậy, những động thái tích cực này chứng tỏ chưa đủ đáp ứng giải quyết vi phạm đối với các bên giữ bản quyền tại Mỹ.