SHTP - hình mẫu về thu hút đầu tư công nghệ cao
TPHCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước đã tiênphong tìm tòi những mô hình mới để phát triển,trong đó có những mô hình được khởi xướng cách đây gần 20 năm đang trởthành hình mẫu trong thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất côngnghệ cao và góp phần hình thành vị thế của TPHCM dẫn đầu cả nước về phát triển,khoa học, công nghệ. Khu Công nghệ cao SHTP là một mô hìnhnhư vậy.
Nền móng công nghiệp công nghệ cao của cả nước
Nói về sự đóng góp của Khu Công nghệ cao TPHCM, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP tự hào khẳng định nơi này đang trở thành “hạt nhân” trong xây dựng đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh của Thành phố hiện nay và trong tương lai.
Được thành lập vào năm 2002, sau 18 năm, SHTP đã thật sự tạo được dấu ấn riêng trong sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố, với những dự án “tỷ đô”, khẳng định chính sách phát triển đột phá của Đảng và Nhà nước.
Quá trình phát triển của SHTP trong gần 20 năm qua có thể chia làm hai giai đoạn chính: Từ 2002 đến 2011 và từ 2011 đến nay. Nếu điểm nhấn giai đoạn đầu là hai nhà đầu tư Nidec và Intel thì giai đoạn hai có sự xuất hiện của Samsung với dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đáng nói là sự góp mặt ngày càng nhiều của các dự án nội địa trong SHTP, chẳng hạn dự án Nanogen (công nghệ sinh học dược) với nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ở thời điểm năm 2006, dự án Intel Product Vietnam (Intel Việt Nam) với tổng giá trị đầu tư của giai đoạn 1 hơn 1 tỷ USD là một dấu mốc quan trọng cho lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam. Lãnh đạo Intel Việt Nam chia sẻ Tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng với số vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 khoảng 1 tỷ USD.
Ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban quản lý SHTP, nhớ lại: “Thời điểm đó, Intel Việt Nam là dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tiên có giá trị đầu tư lớn nhất cả nước và có tác động lan tỏa rất lớn cho việc thu hút đầu tư các dự án sau đó tại SHTP nói riêng và ở Việt Nam nói chung... Dự án của Intel đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ về doanh thu, về năng suất lao động trên đầu người luôn dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà đặc biệt là góp phần đào tạo nhân lực cho Việt Nam”.
Ngoài ra, Intel đã góp phần cùng Ban Quản lý Khu đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế và chính sách trong quản lý các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
Tương tự, Công ty TNHH Samsung CE Complex đã đưa vào hoạt động dự án nhà máy sản xuất tại Khu công nghệ cao TPHCM từ tháng 4/2016. Hiện công ty đã thực hiện vốn đầu tư 1,299 tỷ USD đạt 64% vốn đăng ký. Năm 2016, công ty xuất khẩu đạt 1,311 tỷ USD, chiếm 18,2% giá trị xuất khẩu của khu công nghệ cao, đến 2019 giá trị xuất khẩu của công ty đạt 3,39 tỷ USD và ước tính năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD.
Sự thành công của các tập đoàn quốc tế tại STHP được ví như “đại bàng” xây tổ và đã tạo cơ hội thu hút được thêm nhiều “chim sẻ” đi theo chuỗi cung ứng này. Trong số 159 dự án đầu tư vào SHTP còn hiệu lực tính thời điểm hiện nay, có 2/3 là dự án đầu tư trong nước, còn lại là dự án FDI; tổng vốn đầu tư đã lên đến hơn 7,5 tỷ USD, trong đó hơn 80% vốn đầu tư FDI. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 17,5 tỷ USD. Năm 2020 mặc dù có ảnh hưởng COVID-19 nhưng giá trị sản xuất ước tính vẫn đạt được mục tiêu 20 tỷ USD cả năm.
Hiện năng suất lao động của SHTP cao hơn 20 lần mức trung bình của TPHCM, trong khi năng suất lao động của TPHCM cao hơn 3 lần trung bình cả nước. Như vậy năng suất lao động tại SHTP cao hơn 60 lần so với trung bình cả nước.
Kết quả vượt trội của năng suất lao động tại SHTP một phần từ sự ảnh hưởng tích cực mà các dự án FDI “tỷ đô” mang lại. Cả Intel Việt Nam và Samsung CE Complex, ngoài việc đầu tư sản xuất hiệu quả, đều triển khai nhiều dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố, hình thành mạng lưới chuyên gia tại chỗ đáp ứng nhu cầu sản xuất với hàm lượng công nghệ cao.
Bước chuyển mới
Sau gần 20 năm phát triển, có thể nói SHTP đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra là thu hút được các doanh nghiệp FDI, tạo nền móng công nghiệp công nghệ cao cho đất nước.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới thể hiện qua Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, trong chủ trương chung đó, SHTP phải có bước chuyển trong ưu tiên thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Anh Thi cho biết, xu hướng trong vài năm tới là thu hút những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, tập trung vào những hoạt động có giá trị gia tăng cao, ưu tiên cho nghiên cứu phát triển chứ không chỉ là sản xuất công nghệ cao.
“Suất đầu tư phải cao hơn giai đoạn trước đây, hiện tại khoảng 15 triệu USD/ha thì giai đoạn 5-10 năm tới phải nâng lên trên 20 triệu USD/ha, thậm chí cao hơn. Một số dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học đang hoạt động đã đạt hiệu suất đầu tư gần 60 triệu USD/ha. Đó là sự chuyển dịch về ưu tiên đầu tư”, ông Thi cho hay.
Để thực hiện được sự chuyển dịch như vậy, SHTP phải có sự chuẩn bị nền tảng vững chắc. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau COVID-19 đang là xu thế và là cơ hội cho Việt Nam nhưng để thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng thì chúng ta phải có sự chuẩn bị về các yếu tố đầu vào mà doanh nghiệp quan tâm khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. “Ví dụ muốn thu hút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thì phải có sự sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ sinh thái để nhân lực chất lượng cao phát huy tác dụng. Việc này kéo dài ít nhất 10 năm để hình thành một thế hệ doanh nghiệp nội địa mới”, ông Thi nhận định.
Theo ông Thi, các thế hệ lãnh đạo Trung ương và TPHCM có tầm nhìn dài hạn thể hiện ở sự chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển của TPHCM khi đặt SHTP bên cạnh Đại học Quốc gia TPHCM. Và Thành phố đã kiên trì xây dựng nền tảng này suốt gần 20 năm qua để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.
Không chỉ thu hút đầu tư và nghiên cứu khoa học, Khu Công nghệ cao TPHCM đang hướng tới đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Chỉ trong năm 2020, SHTP đã thương mại hóa thành công 2 sản phẩm gồm dung dịch rửa tay diệt khuẩn dựa trên nền tảng công nghệ Nano bạc, nước súc miệng và gel rửa tay khô DR-OH đáp ứng nhu cầu thị trường tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Chiến lược phát triển các sản phẩm công nghệ cao của SHTP trong thời gian tới sẽ gắn với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, thực hiện mô hình đi từ nghiên cứu trong phòng thí nhiệm (Labs), xác lập sở hữu trí tuệ, sản xuất công nghiệp và thương mại hóa; trong đó hướng tới xuất khẩu.
Trong bối cảnh TPHCM đang có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện Đề án phát triển Thành phố sáng tạo, tương tác cao phía đông thì những hạt giống như SHTP, Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm tài chính Thủ Thiêm sẽ là những cấu phần cốt lõi của Đề án. “Với nền tảng thành công của SHTP, của Đại học Quốc gia TPHCM thì không có nơi nào lý tưởng hơn TPHCM để thí điểm đổi mới thể chế đột phá, vì sự phát triển của một đầu tàu và vì sự phát triển của cả nước”, ông Nguyễn Anh Thi lạc quan.