Sĩ quan CAND Việt Nam đầu tiên tại Trụ sở Liên hợp quốc: Khi truyền cảm hứng cũng là nhiệm vụ!
Ngày 21/8/2022, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải đặt chân đến trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, trở thành sỹ quan đầu tiên của lực lượng CAND dự thi và trúng tuyển vào vị trí Chuyên gia Phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình, Ban Thư ký LHQ. Là một trong những cán bộ trẻ nhất trong phòng cảnh sát có quân số lên tới gần 100, Trung tá Hải được giao nhiệm vụ tham mưu chính sách và điều phối các hoạt động phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia của lực lượng cảnh sát LHQ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB). Vị trí chuyên gia đòi hỏi cao cả về trình độ chuyên môn lẫn kinh nghiệm làm việc khiến tỉ lệ cạnh tranh rất gay gắt. Chỉ tính riêng năm 2020 khi Trung tá Hải ứng tuyển, đã có hơn 200 đơn đăng ký từ 192 quốc gia. Trải qua 2 vòng hồ sơ và viết luận, chỉ 10 ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng, và Trung tá Hải là người được chọn. Hành trình trước khi trở thành "người được chọn" ấy, mà tôi vẫn nói vui với anh là "trầy da tróc vẩy", đã kéo dài tới 2 năm!
Đó là tháng 5/2020, khi dịch COVID-19 đang manh nha hoành hành, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải nhận được thông báo tuyển dụng từ Ban Thư ký LHQ sau giờ lên lớp tại Học viện Cảnh sát. "Khi đọc được thông báo, anh thấy vị trí này phù hợp với năng lực, sở trường. Sự thay đổi giúp anh tích lũy kinh nghiệm, thêm nữa lại có thể mang theo gia đình. Anh nhấc máy gọi luôn cho vợ. Được vợ ủng hộ, anh ứng tuyển luôn. Thời gian vừa suy nghĩ và đưa ra quyết định là 30 phút!", Trung tá Hải kể lại. Một năm sau, tháng 11/2021, Trung tá Hải trở thành ứng viên Việt Nam duy nhất vượt qua vòng thi viết kiểm tra chuyên môn, lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. "Do COVID-19, buổi phỏng vấn được thực hiện online với 4 giám khảo, 16 câu hỏi, trong 40 phút. Nhưng ấn tượng nhất là khi mình bắt đầu trả lời, camera đối diện tắt phụt, trước mắt là màn hình trắng trơn. Dù luôn tự nhận là có khả năng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, nhưng việc thời gian thi hạn hẹp và không thể quan sát được sắc thái giám khảo đã lập tức tạo áp lực, song mình nhanh chóng hiểu đó là cách để ứng viên tập trung thể hiện bản thân", Trung tá Hải chia sẻ. "Vậy đâu là điểm tựa cho sự tự tin của anh trước áp lực ấy?", tôi tò mò hỏi. "Kinh nghiệm và chuyên môn!", anh cười nói.
Thời điểm ứng tuyển, bên cạnh làm công tác chuyên môn và quản lý trên cương vị Phó viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trung tá Hải còn tham gia nhiều dự án hợp tác, nghiên cứu, tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Từ năm 2015, anh trực tiếp điều phối, tổ chức các chương trình nghiên cứu khảo sát về phòng, chống mua bán người; phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. "Kinh nghiệm đã trở thành lợi thế khi ứng tuyển, đồng thời khắc phục hạn chế thiếu kinh nghiệm tham gia hoạt động GGHB, vốn là đòi hỏi bắt buộc của hầu hết các vị trí tại trụ sở LHQ. Anh nộp hồ sơ với tâm thế thử sức là chính, nếu được thì sẽ là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, nếu không thì cũng là một phép thử cho bản thân", Trung tá Hải chia sẻ. Tâm thế và sự tự tin ấy đã đưa anh đến đích.
Hành trình đến New York không phải là lần đầu tiên Trung tá Hải "xuất ngoại", nhưng đánh dấu thêm một cột mốc "tích lũy" của anh. "Năm 2008 khi đến Anh học thạc sỹ, hay cả khi quay lại Anh năm 2011 làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, mình chưa có gì trong tay cả. Đến nay là 15 năm, quãng đường đủ để mình tích lũy rất nhiều kinh nghiệm", Trung tá Hải chia sẻ với tôi, trong những hoài niệm về một thập kỷ trước, khi anh khởi dựng cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Portsmouth, Anh, cũng bắt đầu từ sự "chưa có gì trong tay cả". 15 năm đủ dài cho những đổi thay, nhưng nhiệt huyết nơi anh là điều tôi nhận ra không hề thay đổi, mà chính anh cũng đồng ý.
"Quãng đường cống hiến còn rất dài. Nếu mình cứ chấp nhận đứng yên và không chịu đổi mới bản thân thì sẽ dần mất đi động lực. Cái quan trọng là dù ở vị trí nào cũng cần toàn tâm toàn ý, tìm thấy đam mê trong công việc và phát huy hết khả năng", Trung tá Hải chia sẻ, kể thêm với tôi rằng so với 10 năm trước, lần "xuất ngoại" này của anh tuy vẫn mang tâm thế sẵn sàng, nhưng tính chất đã khác đi rất nhiều. "Lĩnh vực làm việc có thể vẫn vậy nhưng vai trò và cách thức tiếp cận đã khác, không còn là nghiên cứu giảng dạy nữa mà là tiếp cận môi trường thực tiễn ở vị trí tham mưu chiến lược, đòi hỏi tham gia, tổ chức những hoạt động mang lại hiệu ứng ngay lập tức", anh bật mí về công việc của bản thân.
Song, hơn cả một bước chuyển mình, việc trúng tuyển vị trí chuyên gia với Trung tá Hải còn có ý nghĩa và sứ mệnh đặc biệt quan trọng. "Anh cảm nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn từ Bộ Công an đối với việc triển khai phái bộ GGHB. Việc triển khai cán bộ tại Trụ sở LHQ sẽ là thuận lợi rất lớn để triển khai lực lượng ở các địa bàn khác, là tiền đề để các sĩ quan CAND khác có cơ sở chuẩn bị để tiếp nối trong các nhiệm kỳ sau. Và quan trọng nhất là từ đây sẽ có sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ quốc tế", Trung tá Hải trải lòng. Cùng với 3 sỹ quan vừa triển khai ở Phái bộ GGHB tại Nam Sudan (UNMISS) vào tháng 10/2022, Trung tá Hải là 1 trong 4 sỹ quan đầu tiên của lực lượng CAND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB. "Đây là dấu ấn không phải cá nhân anh, mà của lực lượng CAND Việt Nam. Thứ nhất, điều này giúp quốc tế bắt đầu biết đến việc tham gia hoạt động GGHB của lực lượng CAND Việt Nam. Thứ hai, những nỗ lực trong quá trình công tác sẽ không chỉ là sự ghi nhận cho riêng anh, mà là sự ghi nhận con người Việt Nam có đủ phẩm chất để đáp ứng yêu cầu của LHQ", Trung tá Hải khẳng định.
Một lần nữa, cụm từ "áp lực" lại được tôi nhắc lại. Nhưng anh, một cách đầy nhiệt huyết, lại phủ nhận tôi về cụm từ ấy. "Áp lực? Không, anh lại thấy động lực là rất lớn, bởi mỗi công việc mình làm sẽ là một cơ hội để khẳng định năng lực của cán bộ Việt Nam", nói đến đây, anh xúc động kể lại giây phút được Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an trao quyết định, tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ GGHB. "Đó thực sự là vinh dự quá lớn mà mình không nghĩ được đón nhận, và cũng khiến mình cảm nhận được kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Bộ Công an. Đó cũng chính là động lực khiến mình càng phải cố gắng nhiều hơn", anh nói.
Bước sang tháng thứ 5 công tác tại Bộ phận Cảnh sát LHQ, Trung tá Hải đã bắt nhịp nhanh chóng và xây dựng đề xuất đầu tiên về ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu tội phạm tại các phái bộ GGHB. Nhưng với anh, đó chưa phải là thành tựu. "Coi việc trúng tuyển là trái ngọt nghĩa là mình đã bắt đầu hưởng thụ rồi phải không? Không thể như vậy được!", anh quả quyết. "Nếu ví đây đã là trái ngọt thì không sớm thì muộn sẽ thoái chí. Hưởng thụ chỉ mang tính thời điểm. Mình vẫn phải cố gắng tích lũy nhiều hơn nữa", anh nói. "Tức là cơ hội mới cũng đồng nghĩa với thử thách mới?", tôi gặng hỏi. "Đúng vậy. Khi mình được đặt vào một vị trí mới, đồng nghĩa với việc đòi hỏi những yêu cầu mới để bản thân cố gắng hơn nữa. Mong muốn của anh khi công tác tại đây, bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm, là được học thêm những cái mới, nâng cao giá trị bản thân", Trung tá Hải chia sẻ.
"Anh thật giống KOL (người có sức ảnh hưởng) đấy!", tôi cảm thán. Lắc đầu và xua tay, anh nói đùa tôi rằng mình không phải và không thích làm "người nổi tiếng". Nghĩa là thay vì trở thành một hình mẫu, anh muốn "câu chuyện người đầu tiên" của mình được nhắc đến như một việc làm tốt, một cách nghĩ hay, tạo động lực cho chính những cán bộ, chiến sĩ CAND đang ngập ngừng trước những cơ hội mới. "Sự nhất quán trong tư duy và hành động sẽ tạo ra hiệu quả, và đó là điều anh mong muốn có thể chia sẻ cho những người trẻ khác. Như ngày xưa, việc thành lập hội sinh viên Việt Nam xuất phát đơn thuần từ mong muốn tạo ra một cộng đồng để hỗ trợ, chia sẻ với nhau. Mà muốn chia sẻ được thì phải kết nối được, đấy chính là sự nhất quán giữa tư duy và hành động", anh nói. Nhưng con đường từ tư duy đến hành động có bao giờ là bằng phẳng, và Trung tá Hải đã bật mí cho tôi cách anh lựa chọn con đường của chính mình: "Khi mình cố gắng và làm tốt công việc, cơ hội mới sẽ mở ra. Những thành quả về sau luôn là kết quả của nỗ lực ngay trước đó. Hãy làm tốt việc mình đang làm với một tư duy mở, và đón nhận cơ hội với tâm thế sẵn sàng".
Gói ghém cuộc trò chuyện trong những dòng phỏng vấn cuối cùng, tôi không quên hỏi anh rằng, nếu như có thể truyền cảm hứng cho những sỹ quan trẻ bằng chính câu chuyện của mình, anh có sẵn sàng không? Và câu trả lời của anh khiến trái tim tôi ấm lại. "Việc truyền cảm hứng lúc này với anh không phải là mong muốn cá nhân, mà là nhiệm vụ trên tư cách một sỹ quan CAND. Anh mong các bạn trẻ hiểu rằng, việc "đặt chân" đến Trụ sở LHQ có khó, nhưng không phải là không thể! Nhưng trong sự thay đổi môi trường ấy, hãy luôn nỗ lực thể hiện vai trò của lực lượng CAND Việt Nam, làm nổi bật tinh thần chung rằng Việt Nam mong muốn, sẵn sàng và có khả năng đóng góp cho các hoạt động đa quốc gia, gìn giữ hòa bình thế giới". Tôi vội vã ghi lại những chia sẻ ấy, mong góp một phần lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết đến những người trẻ, rằng từ trụ sở LHQ cách Việt Nam tới 12 múi giờ, có một sỹ quan cảnh sát Việt Nam vẫn đang từng ngày cống hiến hết mình như thế, với nhiệm vụ trong tay, động lực trong tiềm thức, và tình yêu tổ quốc trong tim mình.