Sĩ quan trẻ- từ nhà trường đến đơn vị: Bài 3 - Học ở trường không phải là 'cây đũa thần'

Để khắc phục hạn chế, giúp sĩ quan trẻ (SQT) có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ thì trước hết cần tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Tuy nhiên, học ở trường không phải là 'cây đũa thần' mà rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện, bồi dưỡng về mọi mặt của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và đặc biệt là tinh thần tự học, tự rèn của mỗi cán bộ trẻ...

Chuẩn chương trình, chuẩn đầu ra

Có mặt tại Đại đội 29, Tiểu đoàn 10, Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT), chúng tôi được chứng kiến một buổi tập bài “Hội nghị chi ủy thông qua dự thảo nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tháng 6-2023” của nhóm học viên năm thứ ba. Trung sĩ Dương Văn Duy, Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 29 trên cương vị bí thư chi bộ điều hành hội nghị khá “trơn”, khẩu khí, tác phong rất chững chạc. “Đảm nhận vai trò bí thư chi bộ trong tập bài không những giúp tôi nắm chắc nội dung bài học mà còn góp phần rèn luyện bản lĩnh, tác phong, rất có ích trong quá trình công tác sau này”, Trung sĩ Dương Văn Duy chia sẻ. Theo Thiếu tá Nguyễn Vi Đạt, giảng viên Bộ môn Tổ chức, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường SQCT, với mỗi nội dung học tập, ngoài học lý thuyết, thực hành mẫu trên giảng đường, các đại đội quản lý học viên còn tổ chức ôn luyện, tập bài cho học viên dưới sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa (văn hóa văn nghệ, sinh nhật đồng đội, diễn đàn thanh niên, vẽ bảng tin, giảng bài chính trị, rèn thể lực...) để “đưa” học viên vào hoạt động thực tiễn... Việc gắn lý thuyết với thực hành như nói trên được Trường SQCT nói riêng, các trường sĩ quan nói chung chú trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục hạn chế về bản lĩnh, tác phong, kỹ năng mềm... cho học viên.

 Lãnh đạo Trường Sĩ quan Lục quân 1 động viên, truyền thụ kinh nghiệm trong diễn tập cho học viên. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Lãnh đạo Trường Sĩ quan Lục quân 1 động viên, truyền thụ kinh nghiệm trong diễn tập cho học viên. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo trong nhà trường là một trong các giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng “đầu ra”, tạo nền tảng để SQT hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Quốc Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho biết, thời gian qua, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phản hồi; mời lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tham gia hội thảo xây dựng chuẩn đầu ra, góp ý xây dựng nội dung, chương trình đào tạo... Trên cơ sở đó, xây dựng chuẩn đầu ra; bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị. Theo đó, thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, ôn luyện, luyện tập, diễn tập được tăng lên (năm học 2022-2023, thời gian huấn luyện đêm các nội dung thực hành tăng gần 6% so với năm học trước); tăng cường huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật sát thực tế chiến đấu, hành quân, trú quân dã ngoại, các nội dung huấn luyện hỏa khí đi cùng; chú trọng rèn học viên về phương pháp huấn luyện bộ đội; nội dung, phương pháp diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cũng từng bước được đổi mới... Đồng thời, chương trình đào tạo được bổ sung một số nội dung như: Chính phủ điện tử, quyền con người, các vấn đề về an ninh phi truyền thống...

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Chung, Phó hiệu trưởng Trường SQCT, nhìn chung chương trình đào tạo của trường bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, tính kế thừa, đáp ứng xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại và yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định, như việc rèn kỹ năng mềm cho học viên còn hạn chế; cá biệt, có nội dung chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị; một số môn học chưa bảo đảm tính liên thông. Trong xây dựng chương trình đào tạo 4 năm, Trường SQCT đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình, nội dung đào tạo; rà soát, khắc phục triệt để tình trạng trùng lắp; lược bỏ những nội dung, những môn học không thật sự thiết thực; bổ sung những môn học mới, sát với yêu cầu nhiệm vụ của người sĩ quan, cán bộ chính trị, như: “Khoa học lãnh đạo quản lý”, “Kỹ năng mềm của cán bộ chính trị cấp phân đội”, “Quản lý kinh tế”...; đồng thời, điều chỉnh giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng thời gian tập thể lực, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, ôn luyện để rèn tác phong, phương pháp công tác cho học viên.

Bài học “học suốt đời”

Việc học tập, rèn luyện trong nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp trang bị cho học viên sĩ quan những kiến thức, kỹ năng cơ bản cũng như khả năng tư duy, phương pháp làm việc khoa học, tạo cơ sở, nền tảng để thực hiện tốt nhiệm vụ sau khi ra trường. Tuy nhiên, không một cơ sở đào tạo nào có thể cung cấp toàn diện, đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho người học. Mặt khác, thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng; công tác quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội ở đơn vị cơ sở cũng luôn nảy sinh nhiều tình huống đa dạng nên học ở trường không phải là “cây đũa thần” để cán bộ, SQT thỏa mãn, dừng lại mà đòi hỏi mỗi người phải luôn có tinh thần khiêm tốn, cầu thị, nỗ lực tự học, tự rèn để nâng cao trình độ mọi mặt. Đây là quan điểm chung của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và các học viện, trường sĩ quan mà chúng tôi có dịp trao đổi, làm việc.

 Giờ ôn luyện, tập bài của học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Giờ ôn luyện, tập bài của học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bài học “học suốt đời” được Thượng úy Trần Văn Chiến, Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 201 (Binh chủng Tăng thiết giáp) rất thấm thía. Tốt nghiệp Trường SQCT, Trần Văn Chiến được điều động đảm nhận cương vị chính trị viên phó đại đội ở Lữ đoàn 201. Mặc dù được đào tạo cơ bản, nắm chắc kiến thức liên quan đến hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị nhưng thời gian đầu, anh vẫn gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ vì đặc thù của một đơn vị binh chủng chuyên ngành xe tăng. Hơn nữa, quân số của đơn vị phần lớn là QNCN hơn anh cả tuổi quân, tuổi đời và kiến thức chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, nhờ chịu khó học hỏi, khả năng thích ứng nhanh, Thượng úy Trần Văn Chiến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bổ nhiệm chức vụ chính trị viên đại đội sau một thời gian công tác. Thượng úy Trần Văn Chiến là một trong những SQT tiêu biểu của đơn vị, đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, như: Giải nhất Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị cấp Binh chủng Tăng thiết giáp năm 2023; giải ba toàn năng, giải ba thực hành chuyên ngành Hội thi cán bộ huấn luyện giỏi cấp Binh chủng Tăng thiết giáp năm 2022; giải ba Hội thi cán bộ đoàn toàn quân năm 2021... “Bí quyết của tôi là luôn tự học, tự rèn. Học ngay ở cấp trên, ở đồng đội về phương pháp làm việc, tác phong chỉ huy, kiến thức chuyên ngành, về cách gần gũi, nói chuyện với bộ đội... Thời gian đầu mới về đơn vị, tôi thường xuyên gặp gỡ, tâm sự với đồng chí đại đội trưởng, chính trị viên đại đội để nghe các anh nói chuyện, truyền thụ kinh nghiệm trong công việc, trong xử lý hài hòa các mối quan hệ nhằm vừa giữ đúng nguyên tắc, vừa bảo đảm hiệu quả công việc...”, Thượng úy Trần Văn Chiến chia sẻ.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Thiếu tướng Phạm Quốc Tuấn cho rằng, để việc tự học, tự rèn mang lại kết quả tốt, SQT phải nhận thức đúng và xác định tốt trách nhiệm, yêu mến, gắn bó với đơn vị, khiêm tốn, biết lắng nghe trên tinh thần cầu thị, dám nghĩ, dám làm, xây dựng cho mình kế hoạch cụ thể và phương pháp học tập phù hợp... Đồng tình với quan điểm trên, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh thêm, cần tạo môi trường thuận lợi và bồi dưỡng phương pháp tự học, tự rèn cho SQT; quan tâm, tạo điều kiện cho SQT được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, được đi học, đi thực tế, luân chuyển để nâng cao trình độ, kiến thức, kinh nghiệm. Đặc biệt, rất cần hoàn thiện cơ chế chính sách, quan tâm hơn đến vấn đề nhà ở, cải thiện thu nhập, môi trường làm việc, về hợp lý hóa gia đình cũng như những vấn đề hậu phương Quân đội khác... giúp SQT yên tâm học tập, rèn luyện và cống hiến xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm học 2023-2024, thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, đối với đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học, sẽ tổ chức thành một giai đoạn (tại học viện, trường sĩ quan) thay vì hai giai đoạn như trước đây. Thời gian đào tạo kỹ sư quân sự giảm từ 5,5 năm xuống 5 năm; thời gian đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội giảm từ 5 năm xuống 4 năm. Chương trình đào tạo được chắt lọc, tinh chỉnh nội dung, bảo đảm tính khả thi, cơ bản, thiết thực, hiệu quả, có hệ thống, đáp ứng chuẩn đầu ra...

(Thiếu tướng, TS NGUYỄN VĂN OANH, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam)

TRUNG KIÊN - ĐỨC TUẤN (tiếp theo và hết)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/si-quan-tre-tu-nha-truong-den-don-vi-bai-3-hoc-o-truong-khong-phai-la-cay-dua-than-734183