Mẹo ẵm điểm cao môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2024, thí sinh lưu ý

Để bài thi đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, các thí sinh cần nắm vững kiến thức và kỹ năng làm bài thi đúng yêu cầu.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn ôn thi, thạc sĩ Lê Minh Thư, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Hòa Bình - LaTrobe (Hà Nội) có những chia sẻ giúp sĩ tử tự tin chinh phục đề thi tốt nghiệp THPT tới đây.

Đề thi Ngữ văn năm nay vẫn giữ cấu trúc 2 phần: phần 1 đọc hiểu văn bản và phần 2 làm văn (bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học).

Với phần đọc hiểu

Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, phần đọc hiểu gồm 4 câu hỏi, học sinh cố gắng tích lũy điểm từng câu, cụ thể ở câu hỏi số 3 có giá trị điểm cao nhất là 1 điểm. Cô Thư lưu ý, thí sinh cần phân bổ thời gian hoàn thành phần đọc hiểu trong 20 đến 25 phút, tránh không kịp hoặc thiếu thời gian cho phần tập làm văn có dung lượng kiến thức lớn cần triển khai.

Cô Lê Minh Thư.

Cô Lê Minh Thư.

Ở câu thứ nhất, học sinh cần nhận biết, phân biệt và ôn tập cẩn thận những phương thức biểu đạt hoặc thể thơ (tùy theo ngữ liệu văn bản). Cô Thư cho rằng, câu hỏi này chỉ chiếm số điểm rất ít nhưng các em tránh để mất điểm đáng tiếc ở những câu hỏi đơn giản như vậy.

Câu hỏi thứ hai trong đề thi yêu cầu thí sinh cần đọc và tìm dẫn chứng xuyên suốt văn bản theo yêu cầu của đề, các thí sinh nên gạch chân trực tiếp vào đề thi các dẫn chứng quan trọng có trong văn bản, tránh viết thiếu hoặc thừa nhiều dẫn chứng dẫn đến mất điểm.

Theo cô Thư, câu hỏi thứ ba và thứ tư đòi hỏi mức độ hiểu biết cao, thí sinh cần nắm được cách thức trả lời các câu hỏi dạng lý giải, phân tích và dạng "rút ra bài học, thông điệp từ nội dung văn bản". Đặc biệt câu hỏi thứ ba có giá trị điểm cao nhất trong phần này nên thí sinh cần triển khai các ý đi từ khái quát nội dung đến phân tích cụ thể từ ngữ, hình ảnh, cuối cùng là đưa ra nhận xét, đánh giá hoặc liên hệ thực tiễn để đạt tối đa điểm.

Câu hỏi cuối cùng đòi hỏi thí sinh cần vận dụng cao kiến thức để phân tích và rút ra bài học, vì vậy câu trả lời sẽ gồm 2 phần: khái quát nội dung văn bản và giải thích ngắn gọn bài học rút ra từ văn bản.

Với phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học

Nữ giáo này phân tích, với câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh cần chú ý chỉ có khoảng 20-25 phút để triển khai một đoạn văn khoảng ⅔ trang giấy thi. Thí sinh cần viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài, không nên viết quá dài.

Đồng thời, cần đọc kỹ đề và xác định đây là dạng bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý hay nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống để có cách viết phù hợp. Đoạn văn cần bám sát vấn đề được đưa ra, tập trung vào từ khóa yêu cầu của đề bài. Nội dung triển khai tuân thủ thứ tự: giải thích, bàn luận, phản đề, bài học và giải pháp, đồng thời thí sinh cần đưa ra các dẫn chứng thực tế phù hợp cho vấn đề.

Với bài nghị luận văn học, đây là phần cần dành nhiều thời gian và tâm sức nhất. Thí sinh có khoảng 70-75 phút để hoàn thành.

Trong phần mở bài, thí sinh cần giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu rõ vấn đề của đề bài cùng vị trí đoạn trích cần phân tích. Trong phần thân bài, thí sinh cần tách mỗi luận điểm thành một đoạn văn riêng biệt, tránh viết liền mạch. Phần kết bài cũng cần được viết cẩn thận, tránh viết qua loa do không đủ thời gian.

Với bài nghị luận văn học, thí sinh cần hiểu rõ nội dung, nắm bắt đặc điểm nghệ thuật và nhận thức được giá trị tư tưởng của các tác phẩm. Để đạt điểm cao trong câu này, nên cạnh các đoạn phân tích, thí sinh cần có đoạn nhận xét, tổng kết nghệ thuật và khuyến khích có thêm phần so sánh, liên hệ và mở rộng với các tác phẩm văn học khác để đạt mức điểm trên 8.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và chấm thi, cô Lê Minh Thư cũng lưu ý thí sinh ngoài việc nắm vững kiến thức, cần có những kỹ năng làm bài để tránh mất điểm vì những lỗi không đáng có.

“Trước khi bắt đầu tính giờ làm bài, thí sinh có 5 phút để đọc kỹ đề thi và viết nháp nhanh một số ý tưởng hoặc thông tin về số năm, vị trí đoạn trích. Đọc kỹ đề là bước rất quan trọng để thí sinh tránh lối viết dài dòng, lan man dẫn đến lạc đề", nữ giáo viên nói.

Sau đó, thí sinh nên làm tuần tự các phần trong bài thi theo thứ tự. Thời gian làm bài nên được phân chia hợp lý: phần đọc hiểu từ 20-25 phút, phần nghị luận xã hội từ 20-25 phút, và phần nghị luận văn học từ 70-75 phút.

Cuối cùng, nên dành 5 phút cuối để kiểm tra lại bài và các thông tin trong phách. Đặc biệt lưu ý thí sinh không được dùng hai màu mực, không dùng bút chì và không dùng các ký hiệu đặc biệt trong bài thi. Một bài thi sạch đẹp, ít gạch xóa, trình bày rõ ràng sẽ tạo ấn tượng tốt với giám khảo.

Nếu lỡ có viết sai, thí sinh gạch chéo phần đó, không dùng bút xóa vì rất dễ bị coi là dấu hiệu đánh dấu bài thi. Thí sinh tuyệt đối không được bỏ bất cứ câu nào, mỗi ý các em cần trình bày cách hiểu, cách nghĩ về vấn đề dù ít hay nhiều.

Thanh Thảo - Minh Thu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/meo-am-diem-cao-mon-van-thi-tot-nghiep-thpt-2024-thi-sinh-luu-y-ar879658.html