Sĩ tử Hong Kong trách bà Michelle Obama vì bài thi tiếng Anh khó
Nhiều thí sinh thi tuyển đại học Hong Kong tìm đến trang mạng xã hội của bà Michelle Obama để trách móc sau khi một đoạn trích từ hồi ký của bà được đưa vào bài thi tiếng Anh.
Các bình luận tiêu cực bên dưới một bài đăng trên tài khoản Instagram của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ bao gồm nhiều lời chế giễu, liên quan đến đoạn văn bản được sử dụng trong phần đọc hiểu tiếng Anh của kỳ thi đại học Hong Kong, còn gọi là DSE, South China Morning Post đưa tin hôm 23/4.
“Bà biến kỳ thi DSE 2023 của tôi thành kỳ thi DSE 2024 rồi”, một người dùng mạng viết, thu hút 76 lượt thích từ những người khác.
“Nếu tôi không đạt 5**, đó là tại bà”, một người khác viết, ám chỉ khung điểm cao nhất của bài thi.
Một số bình luận sử dụng ngôn từ tục tĩu để nói về bà Obama và gia đình.
Tuy nhiên, một số người dùng mạng khác đã cố xin lỗi thay cho những sĩ tử có bình luận ác ý trên Instagram của bà Obama. Một số người chỉ trích hành động của các thí sinh.
Phản hồi vụ việc, phát ngôn viên của Cơ quan Khảo thí và Đánh giá Hong Kong nói hôm 23/4: “Chúng tôi hiểu rằng các thí sinh quan tâm đến thành tích thi của họ, nhưng họ nên lịch sự và tôn trọng khi bày tỏ ý kiến của mình”.
“Khi lựa chọn tài liệu cho phần đọc hiểu, chúng tôi cũng xem xét khả năng ngôn ngữ của thí sinh, mức độ thú vị của chủ đề, và ý nghĩa giáo dục của nó”, ông lưu ý.
Người phát ngôn nói thêm rằng tài liệu cho phần thi đọc hiểu cũng phải phù hợp với cuộc sống và trải nghiệm thường ngày của sĩ tử.
Các phần trong bài thi đọc hiểu tiếng Anh bao gồm “Phần A” bắt buộc. Phần còn lại, thí sinh được phép chọn giữa phần “B1” và “B2” khó hơn.
Thí sinh muốn đạt điểm 5**, điểm cao nhất của môn thi, phải thi phần B2.
Đoạn trích từ bài luận cá nhân của bà Obama về Ngày của Mẹ và từ cuốn hồi ký “Becoming” được sử dụng trong phần “B2”.
Một số giáo viên nhận xét với South China Morning Post rằng đây là một trong những bài đọc hiểu tiếng Anh khó nhất trong những năm gần đây.
Ansley Lee Kwan-ting, giáo viên tiếng Anh từ Cao đẳng Kiangsu-Chekiang, cho biết văn bản chứa nhiều tính từ không phổ biến, tiếng lóng, hàm ý. Phần câu hỏi yêu cầu suy luận và tư duy phản biện.
Kenneth Lau, trợ giáo tiếng Anh từ Cao đẳng Beacon, đồng ý rằng phần đọc hiểu này là khó nhất trong những năm gần đây.
“Có rất nhiều câu hỏi dài. Quản lý thời gian là chìa khóa để làm tốt trong bài thi năm nay”, cô Lau nói.