Siemens của Đức tiết lộ lý do quyết duy trì mối quan hệ hạt nhân với Nga đến cùng
Siemens Energy của Đức không có ý định phá vỡ hợp đồng với Rosatom của Nga về dự án hạt nhân của họ ở Hungary, Chủ tịch Hội đồng giám sát của công ty, Joe Kaeser, nói với Welt am Sonntag hôm Chủ nhật 29/10.
Hai công ty đang hợp tác xây dựng hai lò phản ứng mới cho nhà máy điện Paks-2 của Hungary - nhà máy mà Siemens Energy đang cung cấp công nghệ an toàn.
Khi được yêu cầu bình luận về những lời chỉ trích mà công ty đang phải đối mặt do tiếp tục hợp tác với gã khổng lồ hạt nhân của quốc gia bị trừng phạt, ông Kaeser nói việc không tuân thủ hợp đồng với Rosatom có thể dẫn đến các thủ tục pháp lý của Hungary chống lại Siemens Energy và các khoản phạt nặng.
Ông Kaeser nói: “Có những tổ chức phi chính phủ yêu cầu chúng tôi không tuân thủ các hợp đồng này, nhưng chúng tôi có thể bị quốc gia EU kiện với số tiền gần như không giới hạn”.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh quyết định tiếp tục hợp tác với Rosatom sẽ cho phép Siemens Energy đảm bảo tính an toàn cho nhà máy và giảm bớt lo ngại về các trường hợp khẩn cấp tiềm ẩn. Theo ông Kaeser, nếu công ty từ bỏ dự án này, giải pháp thay thế “sẽ là để người Trung Quốc nhảy vào và cung cấp bộ điều khiển cho nhà máy điện hạt nhân”.
Dự án Paks-2 được khởi động vào năm 2014 theo thỏa thuận giữa Hungary và Nga. Theo dự án, Rosatom sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân và nhà nước Nga tài trợ cho phần lớn công việc xây dựng này. Trong khi 4 lò phản ứng hiện tại ở Paks sản xuất khoảng 2.000 megawatt điện (MW), tương đương gần một nửa nhu cầu của đất nước, thì các lò phản ứng mới dự kiến sẽ tăng công suất của nhà máy lên 4.400 MW.
Phát biểu với RT hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết quá trình xây dựng đã bắt đầu và kế hoạch là kết nối hai lò phản ứng mới với lưới điện của đất nước vào đầu thập kỷ tới.
Ông Szijjarto thừa nhận dự án đang chịu áp lực khi EU liên tục thả nổi khả năng bổ sung ngành công nghiệp hạt nhân vào các lệnh trừng phạt đối với Moscow liên quan đến Ukraine. Tuy nhiên, ông Szijjarto nói Budapest sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp nào nhắm vào lĩnh vực này, “bởi vì điều đó hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Tuy nhiên, việc Siemens Energy tham gia vào dự án Paks-2 không phải là không gặp trục trặc, khi Berlin liên tục chặn đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu để cung cấp công nghệ và thiết bị, do các lệnh trừng phạt và việc Đức loại bỏ dần chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây cả Nga và Hungary đều xác nhận rằng công ty này vẫn là một phần của dự án.
Tháng trước, người đứng đầu Rosatom Alexei Likhachev cam kết rằng dự án Paks-2 sẽ được hoàn thành bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, hoặc bất kỳ lời chỉ trích nào.
“Rất nhiều mũi tên từ Brussels, Washington và London đang hướng tới các nhà lãnh đạo Cộng hòa Hungary và bản thân dự án, nhưng một khi công việc đã bắt đầu, nó sẽ tiếp tục tiến về phía trước dù thế nào đi nữa”, ông Likhachev tuyên bố và nhắc lại Ủy ban châu Âu đã bật đèn xanh cho việc xây dựng nhà máy vào đầu năm nay.