Siết bằng thuế, bán 5.000 đồng một chiếc túi nylon xem ai còn dám dùng?
Còn miễn phí túi nylon thì tuyên truyền đến mấy người ta vẫn dùng; cứ đánh thuế nặng, áp giá 5.000 đồng/túi thì chẳng ai dám dùng sản phẩm tàn sát môi sinh này nữa.
Một chiếc túi mua sắm bằng nhựa chỉ được sử dụng bình quân 12 phút, nhưng phải mất tới 1.000 năm mới có thể phân hủy hết. Nghĩa là với mỗi chiếc túi vứt đi hôm nay, con cháu mấy trăm thế hệ sau của chúng ta vẫn phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm của nó.
Những thông tin, con số cảnh báo tương tự đã được truyền thông rất nhiều suốt bao năm qua, nhưng không hề làm giảm tốc độ tiêu thụ túi nylon. Theo cuộc khảo sát được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện tháng 3/2021, mỗi siêu thị tiêu thụ trung bình 1.454 túi nylon một ngày; 46/48 siêu thị được khảo sát cung cấp nó miễn phí.
Túi nylon chiếm tới 1/3 lượng rác thải nhựa tại Việt Nam, và đất nước chúng ta đang là một trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nylon nhất châu Á. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý biển và quần đảo, mỗi năm Việt Nam thải vào đại dương từ 280 đến 730 nghìn tấn túi nylon và rác thải nhựa, chiếm tới 6% của cả thế giới.
Không thể chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nguy cơ hủy diệt môi sinh do rác thải nhựa nữa. Cần đánh vào túi tiền người tiêu dùng để thay đổi thói quen của họ. Đây là cách mà rất nhiều nước trên thế giới đã làm để hạn chế túi nylon và hiệu quả rất cao.
Tại siêu thị ở các nước châu Âu như Pháp, Đức, khi thấy khách không mang theo đồ dựng, thu ngân thường hỏi họ có cần túi hay không; nếu cần thì phải mua, giá cả tùy thuộc vào kích cỡ và chất liệu. Bản thân tôi sau khi phải trả gần 20.000 đồng cho một cái túi giấy thì đã nhớ mang theo đồ đựng trong lần mua sắm tiếp theo.
Không nói đâu xa, ở Hàn Quốc, từ năm 2019, khách mua sắm cũng phải bỏ tiền để mua túi đựng sau khi chính phủ cấm các siêu thị, nhà hàng, chuỗi cửa hàng phát nó miễn phí. Cháu gái tôi, du học sinh ở Hàn, cho biết tuy giá túi nylon thường chỉ là 50 won (khoảng 1.000 đồng), việc phải bỏ tiền ra mua khiến cháu không còn dùng vô tội vạ như hồi ở Việt Nam. Cháu sẽ mang túi lớn nếu định mua nhiều đồ, còn nếu ít đồ thì sẽ cất vào ba lô, túi xách hay cầm trực tiếp.
Thu nhập cao như người Nhật Bản mà cũng “suy nghĩ lại” khi phải bỏ tiền mua túi nylon. Vào giữa tháng 7/2020, khi các siêu thị, cửa hàng tiện ích bắt đầu tính tiền túi nylon với giá 3 yen (khoảng 500 đồng), nhiều người đi mua sắm đã tự mang theo đồ đựng, một số người mua ít đồ thì cầm luôn trên tay.
Vào đầu tháng 1/2020, hình ảnh khách đi mua sắm mang theo xô, chậu, xe cút kít… để đựng đồ được ghi lại ở Thái Lan – nơi mỗi người dân từng dùng tới 8 chiếc túi nylon mỗi ngày – khiến nhiều người bật cười.
Tuy nhiên, cảnh tượng đó cũng chứng minh hiệu quả của lệnh cấm phát miễn phí túi nylon dùng một lần tại các đại siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện dụng lớn. Để không mất tiền mua túi, nhiều người mang đến siêu thị bất cứ vật dụng có thể đựng đồ nào mà nhà họ có, như bao tải, hũ nhôm, giỏ lưới dùng phơi cá, sọt nông sản, giỏ đựng đồ giặt…
Đã đến lúc "bắt" người tiêu dùng Việt Nam trả tiền nếu muốn sử dụng túi nylon khi mua sắm. Và với tính cách coi thường tiền lẻ của một bộ phận khá lớn người Việt, mặt hàng này phải bị áp mức giá rất cao mới hiệu quả. Nhà nước nên đánh mức thuế siêu đặc biệt đối với túi nylon, sao cho mỗi chiếc được bán ra với giá ít nhất 5.000 đồng.
Khi đó, sẽ chẳng ai dám dùng sản phẩm tàn sát môi sinh này nữa, trừ trường hợp cực chẳng đã. Những người ở tình huống buộc phải mua cũng sẽ cố gắng đựng nhiều đồ nhất có thể trong một chiếc túi, không còn chuyện mỗi lần đi chợ lại toòng teng xách về cả chục chiếc trên tay. Và họ cũng sẽ cố gắng tái sử dụng nó thay vì dùng một lần.
Khi đã áp dụng “siết” túi nylon bằng thuế, cơ quan chức năng cũng phải có cách kiểm soát hiệu quả để chống túi lậu. Những kẻ bán loại túi nylon trốn thuế phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quản lý nghiêm ngặt như vậy mới có thể chấm dứt tình trạng sử dụng túi nylon bừa bãi. Chừng nào túi nylon còn được bán theo cân với giá vài chục nghìn đồng và phát miễn phí cho khách mua sắm, những lời tuyên truyền về bảo vệ môi trường sẽ còn bị người ta bỏ ngoài tai.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.