Siết chặt chất lượng giống thủy sản và sử dụng kháng sinh

Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân nhấn mạnh, có hai vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà ngành thủy sản sẽ tập trung trong năm 2025, đó là kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng giống thủy sản và việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng để phát triển bền vững. Ảnh: mard.gov.vn

Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng để phát triển bền vững. Ảnh: mard.gov.vn

Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,75 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 10 tỷ USD, đạt 106% kế hoạch, tăng 12,1% so với năm 2023. Nuôi trồng thủy sản đã phát triển ổn định, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2023.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin thêm, trong năm vừa qua, việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, đã có điểm sáng trong xuất khẩu cá rô phi, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Ngoài ra, lươn, ếch… cũng là những đối tượng tiềm năng để hướng đến trong tương lai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: hạ tầng nhiều vùng nuôi chưa đảm bảo; hệ thống cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiếu phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành; việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa chặt chẽ.

Tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản

Bước sang năm 2025, ngành thủy sản xác định tiếp tục thực hiện chủ trương mà Chiến lược phát triển thủy sản đề ra là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước đối với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành thủy sản thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Định hướng của ngành thủy sản năm 2025:

Diện tích nuôi trồng: Tổng diện tích hơn 1,3 triệu ha, tăng 2% so với năm 2024, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 390 nghìn ha; diện tích nuôi mặn, lợ 937 nghìn ha.

Tổng sản lượng khoảng 9,6 triệu tấn, tương đương năm 2024, trong đó sản lượng khai thác gần 3,66 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2024; sản lượng nuôi trồng hơn 5,95 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu: Đạt khoảng 10,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản; tiếp tục thực hiện mục tiêu “Chuyển đổi từ tư duy sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản” và “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”.

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta năm 2024 đã vượt mốc 10 tỷ USD, đây là thành công của toàn ngành. Tuy nhiên trong năm 2025, cần giám sát chặt chẽ hơn vấn đề dư lượng kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, hai vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà ngành thủy sản sẽ tập trung trong năm 2025, đó là kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng giống tôm nói riêng, giống thủy sản nói chung và việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Đánh giá tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý, đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…

Liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý đội tàu, thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc; trước trong và sau Tết phải tích cực kiểm tra tình hình tại các địa phương...

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/siet-chat-chat-luong-giong-thuy-san-va-su-dung-khang-sinh-37518.html