Siết chặt công tác quản lý Nhà nước về đất đai
Ngày 23/8, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 30/3/2023 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về đất đai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn hiện nay.
UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn tỉnh. Từng bước củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, sử dụng đất đai (QL,SDĐĐ) theo quy định của pháp luật và trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, người dân về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong QL,SDĐĐ. Khắc phục kịp thời, triệt để những hạn chế, khuyết điểm trong QL,SDĐĐ nhằm đưa công tác QLNN về đất đai đi vào nền nếp; quản lý, sử dụng, bảo vệ đất đai hợp lý, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật. Hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững… Việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU phải đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả; gắn với thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước QL,SDĐĐ.
Theo đó, UBND tỉnh đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị gồm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác QL,SDĐĐ. (2)Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, chính sách pháp luật về đất đai; rà soát các quy định, các chính sách pháp luật về đất đai để đảm bảo việc QL,SDĐĐ chặt chẽ, hiệu quả. (3) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) và công bố công khai để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định. (4) Tập trung thực hiện công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đo đạc địa chính, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa chính; chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, nhất là cấp lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ có đủ điều kiện. (5) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện và rút ngắn thời gian thực hiện; triển khai công tác số hóa và thiết lập phần mềm hệ thống dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, tra cứu, cập nhật thông tin, dữ liệu địa chính. (6) Thiết lập trật tự, kỷ cương, nền nếp trong công tác quản lý đất đai; tăng cường kiểm soát việc giao, quản lý, SDĐ của các công ty Nhà nước và các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn; chuyển mục đích SDĐ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, tránh thất thoát nguồn thu NSNN; rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, khát vọng đầu tư vào tỉnh. (7) Đảm bảo nguồn nguyên vật liệu đất đắp phục vụ các công trình, dự án; đặc biệt là cấp mỏ làm vật liệu đất đắp cho các dự án trọng điểm của tỉnh, các khu, cụm công nghiệp, các dự án sản xuất. (8)Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu, đấu giá nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực; nâng cao trách nhiệm trong việc xác định, thẩm định phương án giá đất cụ thể để tránh thất thoát nguồn cho NSNN và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. (9) Bố trí, quy hoạch quỹ đất, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét vào vùng di dân xen kẽ hoặc khu tái định cư.
P.V (TH)