Siết chặt công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp có đăng ký kinh doanh, cung ứng cho người dân số lượng lớn giống cây trồng mới, chất lượng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Song, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại tình trạng kinh doanh những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. Từ đó đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng cần được siết chặt hơn nữa để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 Người dân chăm sóc vườm ươm cây giống lâm nghiệp - Ảnh: T.T

Người dân chăm sóc vườm ươm cây giống lâm nghiệp - Ảnh: T.T

Những năm qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông đã triển khai gieo tạo cây con, thu hái hạt giống với số lượng lớn tại vườn ươm để phục vụ cho công tác trồng rừng. Riêng trong năm 2021, ban đã triển khai gieo tạo 45.000 cây sao đen 1 năm tuổi, 9.000 cây sao đen 2 năm tuổi. Ban cũng quản lý rừng trồng cây trẩu ba hạt do Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn (JBIC) đầu tư, trồng năm 2005.

Hạt giống trồng rừng ban đầu là hỗn hợp hạt giống trẩu ba hạt tuyển chọn, thu hái tại huyện Hướng Hóa được sử dụng để trồng rừng. Cây trẩu ba hạt tại lâm phần sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng cây trồng đảm bảo phẩm chất cho việc lấy giống. Thời gian qua, đơn vị đã tiến hành thu hái hạt giống cây trẩu ba hạt đã qua tinh chế đạt tiêu chuẩn với số lượng 1.100 kg. Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông Nguyễn Công Tuấn cho biết: “Vừa qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) đã quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với cây trẩu ba hạt của ban đạt tiêu chuẩn chất lượng nguồn giống đưa vào sản xuất, kinh doanh vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp”.

Toàn tỉnh có 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo lai giâm hom, keo tai tượng, keo lai mô và một số giống cây khác như sao đen, lát hoa, nhội, lim xanh, trẩu, mắc ca. . . Ngoài ra còn có các cơ sở nhỏ tự sản xuất để phục vụ trồng rừng cho gia đình và bán cho người dân địa phương. Có 25 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp có đăng ký kinh doanh, gồm nhóm cây lương thực, thực phẩm và nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày.

Nhìn chung các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp, có quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với vườn cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn chất lượng nguồn giống đưa vào sản xuất kinh doanh; bảng kê giống cây trồng; hồ sơ truy xuất nguồn gốc lô giống...

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây nông nghiệp, đa số đáp ứng yêu cầu có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng. Có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.

Tuy vậy, qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng thời gian qua cho thấy vẫn còn một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp. Đặc biệt tình trạng sản xuất, buôn bán giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng… vẫn còn diễn ra.

Trong đợt thanh tra, kiểm tra về tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của ngành nông nghiệp vào 10/2021, nhiều lỗi vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở được chỉ ra như không xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc một số loại giống cây, chưa đăng ký công nhận nguồn giống trước khi đưa vào khai thác…

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý giống cây trồng bằng nhiều hình thức. Trong đó, thường xuyên công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp đủ điều kiện; danh sách cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; danh mục giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên địa bàn tỉnh để người dân có nhu cầu về giống biết và có thêm thông tin trong việc lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do lực lượng đội ngũ quản lý còn mỏng nên công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp chưa được sâu rộng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường tổ chức kiểm tra việc quản lý, sản xuất, kinh doanh cây giống tại các cơ sở trên địa bàn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Thực hiện nghiêm việc đưa giống cây trồng vào sản xuất phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó, cây giống đưa vào trồng rừng phải được kiểm soát tốt chất lượng, các lô cây giống có đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Khuyến khích, hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh các loại giống cây ăn quả, giống cây trồng chủ lực có cây đầu dòng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo đà phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163272&title=siet-chat-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-giong-cay-trong