Siết chặt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản
Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước được siết chặt. Qua đó, kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Khoáng sản được phân bố ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, chủ yếu có quy mô nhỏ, phù hợp với để phát triển công nghiệp địa phương. Những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, với 114 giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực cấp cho 82 doanh nghiệp với diện tích trên 2.479 ha. Qua đó đóng góp đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến như: Sản xuất xi măng trên 1 triệu tấn/năm, luyện gang thép 200 nghìn tấn trên năm, mangan 20 nghìn tấn/năm, luyện Antimon 500 tấn/năm, bột cao lanh fenspat, bột barite, bê tông đúc sẵn… góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa.
Để quản lý khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quản lý khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND về quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 02 của UBND tỉnh, các ngành, UBND các huyện, xã đã đồng loạt triển khai tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Tính, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với trách nhiệm của ngành, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Đồng thời, ngành chủ động phối hợp Công an tỉnh, các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra các khu vực có khả năng xảy ra khai thác trái phép; quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ 2018 đến nay, đã tiến hành 624 cuộc kiểm tra tình hình khai thác, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 350 vụ với 24 tổ chức và 326 cá nhân vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; xử phạt gần 9,7 tỷ đồng, tịch thu 38.000 m3 cát sỏi, trên 6.000 tấn đá sét, 58 tấn cao lanh, 5 tấn quặng barite, 145 tấn quặng chì kẽm, 4.000 tấn quặng nhiễm vàng, 1 tấn quặng vonfram và nhiều dụng cụ thô sơ tự chế dùng khai thác.
Đối với các doanh nghiệp được cấp phép, hàng năm Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp các huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với những thông tin báo chí nêu… kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các dự án có vi phạm, thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ khoáng sản. Trong 3 năm (2018 - 2020) đã đóng cửa 4 mỏ khoáng sản, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đóng cửa hoàn toàn 12 mỏ khoáng sản của 8 doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực khoáng sản, nước, bảo vệ môi trường trên 813 triệu đồng đối với 11 doanh nghiệp; phạt cảnh cáo 1 doanh nghiệp; đình chỉ khai thác thời hạn 6 tháng đối với 1 doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; triển khai, đôn đốc thực hiện Quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Sở sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và hoạt động tuân thủ pháp luật; tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất thực hiện thanh tra trách nhiệm UBND các xã trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản và kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, giải tỏa khai thác trái phép khoáng sản. Đồng thời, chủ động phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh giáp ranh triển khai thực hiện các quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh đã ký kết; tiếp tục tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đến tổ chức, cá nhân; tăng cường tập huấn kiến thức pháp luật về tài nguyên và môi trường cho các công chức huyện, xã.