Siết chặt đăng kiểm và quản lý tàu cá

Đăng kiểm tàu cá định kỳ là yêu cầu bắt buộc của pháp luật đối với chủ sở hữu tàu cá. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ngư dân chưa chấp hành nghiêm, thậm chí có tàu cá hoạt động trái ngành nghề đã đăng ký.

Tàu cá của ngư dân phải đăng kiểm đúng thời gian quy định và hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký. Ảnh: Mỹ Hoa

Tàu cá của ngư dân phải đăng kiểm đúng thời gian quy định và hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký. Ảnh: Mỹ Hoa

Không có chuyện làm khó ngư dân

Đó là khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Văn Mười liên quan đến việc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Chi cục Thủy sản tỉnh) kiểm tra, nhưng không cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) tàu cá cho 160 phương tiện của ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, số phương tiện nói trên nhiều năm nay hoạt động khai thác hải sản và neo đậu tại các cảng cá ở tỉnh Nam Định, Quảng Bình và TP.Đà Nẵng không về địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua có 82/160 phương tiện trở về neo đậu tại cảng Sa Huỳnh và Mỹ Á (TX.Đức Phổ).

Hầu hết phương tiện này đều quá hạn đăng kiểm, nên không thể gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản (KTTS). Vì vậy, ngư dân đã mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá vào cảng cá Sa Huỳnh, Mỹ Á để kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận ATKT, làm cơ sở để gia hạn Giấy phép KTTS.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá không cấp Giấy chứng nhận ATKT tàu cá. “Quá trình kiểm tra, chúng tôi nghi ngờ ngư dân hoạt động trái nghề, có tình trạng đăng ký nghề này, nhưng hành nghề khác. Chúng tôi đã đề nghị ngư dân khắc phục một số lỗi, trong đó có việc trang bị máy móc và ngư lưới cụ phục vụ đúng ngành nghề đã đăng ký, thì mới cấp Giấy chứng nhận ATKT”, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tạ Công Cuộc lý giải.

Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh Võ Thu, thực tế là 160 phương tiện này hoạt động trái nghề, Giấy phép KTTS đăng ký hành nghề câu nhưng thực tế là làm nghề kéo. Xảy ra tình trạng trên là do năm 2015, lưới kéo được Bộ NN&PTNT xếp vào diện nghề cấm, nên không cho phép ngư dân đóng mới, cải hoán tàu để hành nghề lưới kéo.

UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản quy định từ ngày 1/12/2015 tạm dừng phát triển tàu lưới kéo và nghề lặn. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh tạm dừng cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề lặn; cải hoán đối với tàu cá từ nghề khác sang nghề lưới kéo, nghề lặn.

Thời điểm ấy, nhiều ngư dân, trong đó có chủ của 160 phương tiện trên tổ chức đóng mới, cải hoán tàu và đăng ký cấp Giấy phép KTTS hành nghề câu. Vậy nhưng, hầu hết chủ tàu đều hành nghề lưới kéo với lý do “không chuyên nghề câu, nên làm ăn thua lỗ”.

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm

Để kiểm soát, quản lý tốt hoạt động KTTS của ngư dân, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiên quyết không cho xuất bến đối với những tàu cá khai thác không đúng nghề ghi trong giấy khai thác, hoặc mang theo các ngư cụ, trang thiết bị có tính hủy diệt hải sản... Đối với những tàu khai thác trái nghề, lực lượng chức năng yêu cầu các chủ tàu tháo dỡ toàn bộ trang thiết bị, ngư lưới cụ không liên quan đến nghề đã đăng ký trong giấy phép mới cho xuất bến.

Theo ông Võ Thu, trước đây trên địa bàn phường thường xuyên diễn ra tình trạng ngư dân đăng ký trong giấy phép khai thác là hành nghề câu, nhưng lại tự chuyển sang nghề giã cào. Thời gian gần đây, khi Đồn Biên phòng Sa Huỳnh xuống tận tàu kiểm tra, đối chiếu và yêu cầu ngư dân tháo các ngư cụ liên quan đến giã cào như: Cần cẩu chữ A, lưới giã cào... trước khi xuất bến.

Nhờ vậy, tình trạng khai thác trái nghề tại địa phương từng bước được chấn chỉnh. Nghiệp đoàn nghề cá phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến những thông tin liên quan đến hoạt động siết chặt quản lý tàu cá, nhất là quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động KTTS, để ngư dân biết và tuân thủ quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để chấn chỉnh tình trạng ngư dân đánh bắt bất hợp pháp, lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước siết chặt công tác quản lý tàu cá. Ông Nguyễn Văn Mười cho biết, Chi cục Thủy sản tỉnh vừa hoàn thành việc lập danh sách các tàu chưa được cấp phép, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gửi cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có tàu cá Quảng Ngãi thường xuyên hoạt động tại đó để cùng phối hợp kiểm tra, quản lý, nhằm đảm bảo các tàu cá hoạt động KTTS đúng quy định của pháp luật.

Chi cục đang tham mưu Sở NN&PTNT Quảng Ngãi xây dựng văn bản, trình UBND tỉnh Quảng Ngãi xử lý nghiêm theo quy định và xóa tàu cá ra khỏi danh sách được hỗ trợ khi khai thác vùng biển xa, nếu tàu cá cố tình vi phạm quy định của pháp luật trong KTTS.

Những giải pháp cứng rắn này được kỳ vọng sẽ giúp ngành thủy sản quản lý hiệu quả tàu cá KTTS trên biển, nâng cao tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chấn chỉnh tình trạng tàu cá hoạt động không đúng với nghề đã đăng ký như lâu nay.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh đã tiến hành kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận ATKT tàu cá cho 1.667 phương tiện; trong đó có 11 phương tiện đóng mới, 185 phương tiện cải hoán và 1.471 phương tiện kiểm tra định kỳ hằng năm. Theo quy định, tàu cá được kiểm tra ATKT khi ở dưới nước mỗi năm một lần, kiểm tra ATKT khi ở trên đà 2,5 năm một lần và kiểm tra định kỳ 5 năm một lần.

Theo Mỹ Hoa - Ý Thu/ Báo Quảng Ngãi

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/siet-chat-dang-kiem-va-quan-ly-tau-ca-341883.html