Siết chặt đấu giá đất, dẹp loạn 'quân xanh quân đỏ'

Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những nhiệm vụ, chủ trương quan trọng của thành phố Hà Nội nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đấu giá khoảng 1.561,42 ha đất tại 634 dự án. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT Hà Nội, 6 tháng đầu năm, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội mới tổ chức đấu giá khoảng 5,87ha tại 33 dự án.

Dồn dập đấu giá đất

Để hoàn thành mục tiêu, hàng loạt đợt đấu giá đất tại khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ được thực hiện. Điển hình, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Hà Nội vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức.

Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 8 thửa đất có tổng diện tích 766,8 m2 tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Diện tích các thửa đất từ 80 m2 đến 101,8 m2.

Giá khởi điểm của 8 thửa đất là từ 1,04 đến 1,79 triệu đồng/m2. Thời gian, địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 15/9 đến 17h ngày 7/10 tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Cuộc đấu giá được tổ chức ngày 10/10 tại hội trường UBND xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Tại huyện Đông Anh, cũng có thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng 27 thửa đất để xây dựng nhà ở tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú (đợt 2). Diện tích các thửa đất từ 90m2 đến 164,17m2, mức giá khởi điểm từ 28,8 đến 33,7 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá được tổ chức ngày 15/10.

Hà Nội dự kiến tăng cường quản lý, siết chặt các quy định để đấu giá đất đạt hiệu quả.

Hà Nội dự kiến tăng cường quản lý, siết chặt các quy định để đấu giá đất đạt hiệu quả.

Đầu tháng 10 tới đây, huyện Sóc Sơn cũng dự kiến tổ chức đấu giá 12 thửa đất tại 2 thôn Hương Đình Đoài và Hương Đình Đông (xã Mai Đình), nằm gần Sân bay Quốc tế Nội Bài và tiếp giáp với Cụm Công nghiệp CN2 đang trong quá trình triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật. Giá khởi điểm dự kiến là 41 triệu đồng/m2.

Trong số 12 thửa đất được huyện Sóc Sơn đưa ra đấu giá đợt này, 11 thửa người tham gia đấu giá phải đặt trước 779 triệu đồng, 1 thửa phải đặt trước hơn 1 tỷ đồng. Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%. Tầng cao tối đa xây dựng đối với 12 thửa đất đấu giá theo quy định là 6 tầng.

Siết chặt các quy định

Có một thực tế là các đợt đấu giá đất đã được thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn thành phố luôn diễn biến rất “nóng”. Minh chứng là các lô đất có mức trúng đấu giá chênh hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Đơn cử như tại huyện Mê Linh, các cuộc đấu giá đất đã ghi nhận mặt bằng giá mới được xác lập. Dù trong phiên đấu giá gần nhất ở huyện Mê Linh đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tổng số tiền trúng đấu giá của 12 thửa đạt gần 43,5 tỷ đồng, cao hơn 10,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Các vụ đấu giá diễn ra liên tục là lý do trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, "siết chặt" quản lý trong đấu giá đất đai.

Đơn cử, mới đây UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2807/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường việc đánh giá và rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.

Đặc biệt, Công văn yêu cầu đẩy mạnh thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.

Các địa phương, đơn vị thực hiện tổ chức công bố công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm được phê duyệt bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai. Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường, khó khăn trong đấu giá đất hiện tại là các vấn đề pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai có nhiều nội dung chưa đồng bộ, việc xác định giá khởi điểm vẫn còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc, các đơn vị tư vấn đấu giá có tâm lý e ngại.

Mặt khác, công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, một số nơi vẫn còn có sai sót trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá. Một số dự án đấu giá chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong triển khai bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất trong quá trình thực hiện…

Trước diễn biến tiêu cực này, một số chuyên gia kiến nghị, song song với việc triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần cẩn trọng, kiểm soát quy trình, thủ tục đấu giá theo đúng quy định để tránh tình trạng nhà đầu tư cố tình trả giá cao rồi bỏ cọc, loại bỏ tình trạng “cò đấu giá” hay “quân xanh, quân đỏ”, đồng thời phải quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất sau đấu giá.

Việt Cường

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/siet-chat-dau-gia-dat-dep-loan-quan-xanh-quan-do-1088100.html