Siết chặt hơn nữa việc khai thác kinh doanh vật liệu xây dựng
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu các cơ quan đơn vị cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc khai thác kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Được biết, địa bàn tỉnh hiện có 22 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường (không tính các DN đóng cửa mỏ và đơn vị khai thác đá làm phụ gia xi măng). Tổng diện tích của các đơn vị khai thác khoảng 245,25ha, trữ lượng khai thác trên 100 triệu m3, công suất khai thác 2,947 triệu m3/năm. Đa phần các DN khai thác tập trung ở Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả.
Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong quá trình khảo sát thực tế thì đa phần các DN chấp hành tốt các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến kinh doanh…Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như DN chưa thực hiện cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế thi công, chưa cắm mốc ranh giới trong khu vực khai thác mỏ, khai thác vượt quá vi phạm ranh giới được phép, khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, chưa thực hiện đầy đủ tần suất và thông số quan trắc BVMT.
Để chấn chỉnh cơ quan quản lý nhà nước đã mở các đợt cao điểm tấn công ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc. Đẩy mạnh xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, gây hư hỏng hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường. Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị rút giấy phép khai thác, giấy phép hết hạn vẫn thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản. Từ năm 2018 đến nay lực lượng chức năng đã kiểm tra xử phạt 4 DN khai thác đá tại địa phương vi phạm pháp luật về BVMT với tổng số tiền nộp về ngân sách gần 800 triệu đồng.
Trong thời gian tới nhằm siết chặt quản lý nhà nước đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nói trên UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nơi có kinh doanh khai thác chế biến đá thì cần tiếp tục rà soát thiết kế thi công các công trình mỏ đá, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, việc chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản và BVMT… Qua đó, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm; có giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình các đơn vị khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường; tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh./.