Siết chặt quản lý bán hàng trực tuyến
Với tâm lý tránh tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh, người dân có xu hướng lựa chọn mua sắm trực tuyến thay vì mua tại điểm bán truyền thống. Lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với Báo Hànôịmới, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho rằng, cần siết chặt quản lý bán hàng trực tuyến để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.
Người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn mua hàng trực tuyến để tránh mua phải sản phẩm nhái, kém chất lượng. Ảnh: Đỗ Tâm
- Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng qua giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, dù bị kiểm tra, xử lý nhưng các vi phạm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo ông đâu là nguyên nhân?
- Thực tế cho thấy, mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin. Mặc dù các sàn thương mại điện tử như Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... đã tham gia ký kết với Bộ Công Thương cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Hơn nữa, hoạt động kinh doanh này có thể dễ dàng triển khai bởi việc đầu tư các trang thiết bị livestream rất rẻ tiền nhưng được thúc đẩy bởi mạng xã hội nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao.
- Trong quá trình đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả trong giao dịch thương mại điện tử, lực lượng chức năng đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?
- Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, song các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý kinh doanh tại sàn thương mại điện tử còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Vậy, theo ông để hoạt động này đi vào nền nếp cần có những quy định chặt chẽ ra sao để xử lý nghiêm vi phạm?
- Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... trên môi trường mạng hiệu quả hơn trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng...
Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử; tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hiện tượng nhờn luật do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, ngăn chặn tình trạng lợi dụng để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.
Đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Các đối tượng còn thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận nhưng lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra. Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Vì vậy, ban quản lý các khu chung cư, các công ty chuyển phát nhanh cũng như các ngân hàng cần chung tay với lực lượng quản lý thị trường trong việc đấu tranh chống gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng.
- Trân trọng cảm ơn ông!