Siết chặt quản lý các chương trình, dự án đầu tư công

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Sử dụng nguồn vốn đúng quy định

Theo Quyết định số 15, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý đầu tư xây dựng đối với chương trình, dự án đầu tư công của thành phố. Nguyên tắc quản lý chương trình, dự án đầu tư công phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quy định cụ thể tại quy định này và quy định liên quan của UBND thành phố.

Hai bờ sông Hồng sẽ có 2 tuyến đường trục chính với quy mô lớn

Hai bờ sông Hồng sẽ có 2 tuyến đường trục chính với quy mô lớn

Ảnh: Ngọc Thành

Nguyên tắc quản lý chương trình, dự án đầu tư công phải bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của địa phương và quy hoạch liên quan theo quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, bảo vệ môi trường; Phù hợp với quy định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội của Nhà nước và TP. Hà Nội; Thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công phải tuân theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; Bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực, không để thất thoát, lãng phí... Nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, TP. Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt của thành phố và các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý điểm nghẽn; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là dự án trọng điểm, dự án số vốn lớn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp thành phố quản lý trong phạm vi tổng vốn đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền thông báo cho giai đoạn sau, tổng vốn đầu tư công trung hạn được Quốc hội, HĐND thành phố quyết định, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương và số vốn tăng thu, thưởng vượt thu của ngân sách cấp thành phố (nếu có) dành cho đầu tư phát triển trừ các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Xây mới 6 cầu đường bộ vượt sông Hồng

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 300.000 người, diện tích gần 11.000ha. Mục tiêu được thành phố đặt ra là phát triển hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, kết nối với các khu vực. Trong đó tập trung vào hệ thống đường trục và mạng lưới đường ven sông; cầu/hầm nối kết đô thị hai bên sông, tạo điều kiện và động lực phát triển mới.

Theo đồ án quy hoạch, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Trong đó, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp). cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3, 5 (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Cầu Tứ Liên kết nối trục đường chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Ngoài ra, thành phố cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long.

Nâng cấp tuyến đường 10 làn xe

Về giao thông trong khu vực quy hoạch, đối với đường bộ, sẽ xây dựng mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Cụ thể, trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang với tối thiểu 4 làn cơ giới và 2 - 4 làn hỗn hợp. Trục bờ tả Hồng từ Cầu Thượng Cát - đê Tả Hồng - cầu Vĩnh Tuy - cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt rộng 40 - 60m (6 - 10 làn xe).

Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô (đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái) cấp hạng là đường liên khu vực quy mô 4 - 10 làn xe. Các tuyến đường chính đô thị, liên khu vực khác có bề rộng quy mô 40 - 50m (6 - 8 làn xe).

Các tuyến đường chính khu vực xây dựng trên cơ sở nâng cấp các đoạn tuyến đê hiện có như đê tả Hồng, đê hữu Hồng đoạn Liên Mạc - Thượng Cát, đoạn phía nam cầu Thanh Trì được xác định có quy mô 4 - 6 làn xe (bao gồm cả đường gom chân đê).

Các tuyến đường chính khu vực, đường khu vực xây dựng mới có quy mô bề rộng mặt cắt ngang 17 - 30m, 2 - 4 làn xe. Một số đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư hiện có và đoạn đi giáp mép sông có thể nghiên cứu thu hẹp cục bộ hè (nhưng vẫn bảo đảm đủ số làn xe trên tuyến) để hạn chế giải phóng mặt bằng.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/siet-chat-quan-ly-cac-chuong-trinh-du-an-dau-tu-cong-jituk8ovvc-81784