Siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ
Nhiều nước trên thế giới đang 'vào cuộc' siết chặt quản lý với các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Động thái này nhằm điều chỉnh hoạt động của các Big Tech và tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn hơn cho người dùng, thông qua việc xử lý mạnh tay các nền tảng trực tuyến vi phạm quy định về nội dung đăng tải hay cạnh tranh không lành mạnh.
Các nước “mạnh tay” với Big Tech
Một bài viết gần đây trên trang Politico cho biết, 34 tiểu bang của Mỹ, chủ yếu là các bang theo xu hướng bảo thủ, đã đề xuất các dự luật hoặc thông qua đạo luật nhằm thay đổi cách các công ty truyền thông xã hội xử lý nội dung của người dùng.
Các bang từ Ohio đến Mississippi đều đang trong quá trình soạn thảo đạo luật ngăn cấm các tập đoàn xóa hoặc kiểm duyệt nội dung của người dùng dựa trên quan điểm chính trị của họ.
Một số bang cũng hướng đến việc áp dụng đạo luật nêu trên bằng cách phân loại các công ty truyền thông xã hội lớn là “các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thông thường”, cách quy định cho phép áp dụng luật như với các tập đoàn viễn thông.
Trong khi đó, các nhà lập pháp ở các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo như New York và California đang nỗ lực ban hành luật khuyến khích các công ty truyền thông xã hội thực hiện cách tiếp cận mạnh tay hơn để kiểm duyệt một số loại nội dung độc hại.
Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu trong nỗ lực siết chặt quản lý các công ty công nghệ.
Tháng 7/2022, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua cả Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA), nhằm giải quyết một số vấn đề nổi cộm liên quan các công ty truyền thông xã hội và Internet. Trong khi DSA tập trung tăng cường tính hiệu quả và minh bạch trong kiểm duyệt nội dung trực tuyến, thì DMA giúp chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các tập đoàn. DSA trên phạm vi rộng cho phép phạt một công ty tới 6% doanh thu toàn cầu khi vi phạm các quy tắc và cấm kinh doanh ở Liên minh châu Âu (EU) nếu vi phạm nhiều lần.
Các quy tắc mới, có hiệu lực vào năm 2024, gồm: Cấm quảng cáo nhắm vào trẻ em hoặc dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc và tư tưởng chính trị; Cho phép chính phủ các nước EU yêu cầu xóa nội dung bất hợp pháp, bao gồm cả tài liệu kích động chủ nghĩa khủng bố, lạm dụng tình dục trẻ em, ngôn từ kích động thù địch và lừa đảo thương mại; Buộc các nền tảng truyền thông xã hội cho phép người dùng gắn cảnh báo nội dung bất hợp pháp một cách dễ dàng và hiệu quả, để có thể nhanh chóng xóa nội dung đó; Các trang thương mại trực tuyến như Amazon sẽ cần các hệ thống tương tự cho các sản phẩm bị nghi ngờ, chẳng hạn như giày thể thao giả hoặc đồ chơi không an toàn.
Tại Anh, Chính phủ Anh thông báo thành lập Đơn vị quản lý thị trường kỹ thuật số, thuộc Cơ quan Quản lý cạnh tranh và thị trường (CMA), hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý bao gồm Ofcom và Văn phòng Ủy viên thông tin để hướng dẫn và thực thi quy định mới nhằm điều chỉnh hành vi của các nền tảng hiện đang thống trị thị trường, như Google và Facebook, bảo đảm người dùng và các doanh nghiệp nhỏ không bị thiệt thòi.
Năm 2021, Anh ban hành một cơ chế cạnh tranh mới để hạn chế các công ty Google và Facebook gây sức ép đối với các công ty nhỏ hơn và gây bất lợi cho người dùng. Các công ty được yêu cầu phải minh bạch hơn về cách sử dụng dữ liệu người dùng và điều chỉnh cách thức quảng cáo, phù hợp với những thay đổi trong các yêu cầu về thu thập và sử dụng dữ liệu.
Chính phủ Anh cũng tiến tới hình sự hóa các mối đe dọa trực tuyến chứa nội dung gây nguy hại nghiêm trọng.
Theo đó, Chính phủ Anh tuyên bố bổ sung danh sách các nội dung phạm tội hình sự vào Dự luật An toàn trực tuyến mới, qua đó cung cấp căn cứ pháp lý để các công ty công nghệ có thể tích cực ngăn chặn những nội dung sai trái này. Dự luật cũng quy định sẽ xử phạt với số tiền tương ứng 10% doanh thu toàn cầu của các công ty này nếu họ không hành động thực chất.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nhấn mạnh, các công ty công nghệ phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm ngăn chặn các nội dung tiêu cực, độc hại trên các nền tảng của họ.
Tại Australia, ngày 26/10/2021, nước này công bố dự thảo luật sửa đổi, siết chặt quy định sử dụng mạng xã hội đối với trẻ vị thành niên. Dự thảo yêu cầu các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại nước này điều chỉnh các điều khoản, theo đó, người dùng dưới 16 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ trước khi đăng ký mở tài khoản mạng xã hội. Nếu không tuân thủ quy định, các công ty sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 10 triệu AUD (tương đương 7,5 triệu USD). Bộ trưởng Tư pháp Australia Michaelia Cash nêu rõ, dự luật buộc các công ty truyền thông xã hội có trách nhiệm trong quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của trẻ vị thành niên.
Bước tiến trong bảo vệ người dùng trên mạng Internet
Việc ngày càng nhiều nước “vào cuộc” siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ, đặc biệt là các nghị sĩ EP hồi đầu tháng 7/2022 thông qua hai đạo luật đưa ra quy định chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ lớn, được coi là những bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ người dùng trên mạng, cũng như bảo đảm các cơ hội kinh doanh.
Theo đó, DMA được cho là sẽ tác động đến các công ty công nghệ như Google, Meta và Apple khi họ phải tuân thủ một loạt quy định để bảo đảm khả năng cạnh tranh cho các đối thủ nhỏ hơn. Trong khi đó, DSA được coi là một bước ngoặt giúp làm trong sạch, lành mạnh Internet, góp phần kiểm soát các nội dung mang tính thù địch, thông tin sai lệch và hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. Các nền tảng thương mại điện tử như Amazon cũng phải ngăn chặn việc mua bán hàng hóa bất hợp pháp theo các quy định mới.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nhận định DSA là một thỏa thuận mang tính lịch sử.
Bà nêu rõ: “DSA sẽ nâng cấp các quy tắc cơ bản cho tất cả các dịch vụ trực tuyến ở EU. Nó sẽ bảo đảm rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số”.
Nhiều nghị sĩ đã bày tỏ ủng hộ các đạo luật này. Nghị sĩ Đức Andreas Schwab cho rằng, động thái của EP mở ra “kỷ nguyên mới về quy định công nghệ”. Trong khi đó, nghị sĩ Đan Mạch Christel Schaldemose cho rằng, trước đây thế giới kỹ thuật số đã phát triển tự do, không có quy định cụ thể nào, nhưng với việc thông qua hai đạo luật trên, thị trường công nghệ số sẽ có những luật lệ mới.
Thời gian qua, các công ty công nghệ bị chỉ trích vì không giám sát nền tảng của mình. Năm 2020-2021 chứng kiến chuỗi dài những thách thức khi đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, mạng xã hội là nơi kết nối con người, nhưng đồng thời cũng là nơi lan tỏa nguồn tin sai sự thật, không được kiểm chứng hay các thông tin kích động bạo lực… Mặt trái của mạng Internet cũng bao gồm tình trạng các nền tảng thương mại điện tử bán nhiều hàng nhái hoặc hàng rởm. Facebook cũng dính bê bối làm rò rỉ dữ liệu của người dùng, khiến người đứng đầu Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Với các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook, TikTok…, đối tượng trẻ em, thanh niên luôn là nhóm khách hàng trọng tâm. Bởi vậy, câu chuyện sử dụng mạng xã hội của nhóm đối tượng này ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận và buộc các nhà quản lý phải mạnh tay hơn nữa trong việc quản lý các nền tảng xã hội để ngăn chặn các nội dung sai lệch, độc hại.
Phản ứng của các Big Tech
Theo Reuters, Apple đã bày tỏ lo ngại một số điều khoản trong DMA của EU sẽ tạo ra các lỗ hổng không cần thiết về bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng; đồng thời cho biết một số điều khoản sẽ cấm các đại gia công nghệ tính phí đối với tài sản trí tuệ mà họ đầu tư rất nhiều để tạo ra. Trong khi đó, Google cũng khẳng định, một số quy tắc của DMA “có thể làm giảm sự đổi mới sáng tạo và sự lựa chọn có sẵn cho người dùng”.
Tuy nhiên, trong một diễn biến tích cực, mới đây Google thông báo từ ngày 19/7 vừa qua đã bắt đầu thực thi các quy tắc công nghệ mới của EU. Theo đó, Google cho phép các nhà phát triển ứng dụng không phải trò chơi có thể cung cấp cho khách hàng của mình tại Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) một giải pháp thanh toán thay thế cho hệ thống thanh toán trên Google Play khi họ thanh toán cho các dịch vụ và nội dung kỹ thuật số. Khi khách hàng sử dụng hệ thống thanh toán thay thế, phí dịch vụ mà nhà phát triển phải trả sẽ giảm từ 15% xuống còn 12%.
Trong khi đó, liên quan các cuộc điều tra của EU về chống độc quyền, ngày 14/7 vừa qua, giới chức EU cho biết, Amazon đã đề xuất hạn chế sử dụng dữ liệu của người bán cho hoạt động kinh doanh bán lẻ và tăng cường khả năng hiển thị các sản phẩm của đối thủ trên nền tảng trực tuyến của mình. Đây được xem là động thái nhượng bộ của Amazon nhằm tránh cuộc điều tra chống độc quyền của EU, có thể dẫn tới một khoản phạt “khổng lồ”.
EC cho biết, các doanh nghiệp đối thủ và khách hàng có thời hạn tới ngày 9/9 tới để đưa ra phản hồi trước đề xuất trên của Amazon. Sau đó, EC sẽ đưa ra quyết định có chấp nhận đề xuất hay không. Nếu bị kết luận vi phạm các quy tắc của EU, Amazon có nguy cơ bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu.
Tại New Zealand, Meta (tập đoàn điều hành Facebook và Instagram), Google, TikTok, Amazon và Twitter đã tự nguyện ký cam kết Quy tắc an toàn và tác hại trực tuyến của New Zealand, yêu cầu các tập đoàn giảm nội dung có hại trên nền tảng của họ, thiết lập hệ thống khiếu nại công khai và cung cấp báo cáo hằng năm về các tiêu chuẩn an toàn. Các tập đoàn đã đồng ý giảm nội dung có hại trong các lĩnh vực chính: bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em, bắt nạt hoặc quấy rối trên mạng, ngôn từ kích động thù địch, kích động bạo lực, nội dung bạo lực hoặc phản cảm, thông tin sai lệch và xuyên tạc.
Giới chuyên gia nhận định, việc tăng cường quản lý các “ông lớn” công nghệ nhằm xây dựng một không gian mạng lành mạnh cho người dùng, một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp đang nhận được sự đồng thuận và tham gia của ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/siet-chat-quan-ly-cac-nen-tang-cong-nghe-post707581.html