Siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Tác động xấu đến sự phát triển của thương mại điện tử dẫn đến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, nhiều người sẽ quay lại hình thức mua sắm truyền thống, làm chậm sự phát triển của thương mại điện tử.
Sự phát triển của thương mại điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chỉ với vài cú nhấp chuột. Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ này là tình trạng sản phẩm kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của khách hàng. Vấn đề này không chỉ đến từ các nhà bán hàng thiếu uy tín mà còn phản ánh trách nhiệm quản lý của các sàn thương mại điện tử và cả sự thiếu cảnh giác từ phía người tiêu dùng.
Đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, vừa qua, Ủy ban đã tiếp nhận được 1.567 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm khoảng 5,5%, đứng thứ ba trong số các lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ nhận được phản ánh nhiều nhất.
Điều đó cho thấy sự quan tâm về chất lượng hàng hóa trên TMĐT đang ngày càng được chú trọng. Người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ ngày càng cao hơn. Theo phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến tình trạng hàng hóa không đảm bảo chất lượng, số lượng hàng theo đơn đã đặt hoặc không đảm bảo (chiếm khoảng 9,18%).
Nhiều sàn giao dịch không có quy trình kiểm tra chặt chẽ đối với thông tin sản phẩm và nhà bán hàng, dẫn đến việc các nhà bán hàng không uy tín lợi dụng để bán hàng kém chất lượng. Một số sàn tập trung vào mở rộng thị phần mà chưa đầu tư đúng mức vào các biện pháp kiểm soát chất lượng.
Để tối ưu lợi nhuận, một số nhà bán hàng sử dụng các hình ảnh và mô tả không đúng thực tế, cung cấp hàng hóa không đạt tiêu chuẩn. Điều này làm tổn hại đến lòng tin của khách hàng và làm xấu đi hình ảnh chung của thương mại điện tử.
Nhiều người tiêu dùng bị thu hút bởi giá rẻ mà không kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm và nhà bán hàng. Điều này tạo điều kiện cho những sản phẩm kém chất lượng dễ dàng tiêu thụ trên thị trường.
Một số nhà bán hàng sử dụng thủ thuật để tạo ra các đánh giá tích cực giả mạo, che giấu những phản hồi tiêu cực, khiến người tiêu dùng khó nhận biết chất lượng thực sự của sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, pháp luật đã đưa ra các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các bên tham gia thương mại điện tử. Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, đặc biệt là tại Điều 26, các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm: Cung cấp thông tin đầy đủ về nhà bán hàng: Giúp người tiêu dùng xác minh nguồn gốc và uy tín của sản phẩm; Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát: Đảm bảo thông tin sản phẩm chính xác và phù hợp với quy định pháp luật. Hỗ trợ người tiêu dùng khi có khiếu nại, tranh chấp với nhà bán hàng; Tránh lạm dụng dữ liệu cho mục đích không chính đáng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law chia sẻ, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái và những sản phẩm ảnh hưởng tiêu cực trên các sàn thương mại điện tử chúng ta cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên, cần tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và thông tin người bán. Các quy định rõ ràng về cung cấp thông tin nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận chất lượng là rất cần thiết. Đồng thời, các sàn cũng cần xây dựng hệ thống xác thực người bán đáng tin cậy, yêu cầu người bán phải cung cấp giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc hàng hóa và đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, việc áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, bao gồm phạt tiền, đình chỉ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ giúp răn đe những trường hợp buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Các sàn TMĐT cần cung cấp các đánh giá thực tế từ khách hàng; Đầu tư vào chính sách đổi trả và hỗ trợ khách hàng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết; Hướng dẫn khách hàng cách nhận biết các sản phẩm giả, nhái, đồng thời khuyến khích họ phản ánh khi gặp phải sản phẩm kém chất lượng.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều hàng hóa mua qua sàn là hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng hết date, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chính vì vậy, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kỹ năng và kiến thức khi mua sắm trực tuyến, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, đọc kỹ mô tả sản phẩm, xem xét đánh giá và phản hồi từ những người mua trước đó…
Lựa chọn nhà bán hàng uy tín, ưu tiên các shop có chứng nhận "chính hãng" hoặc đánh giá cao từ khách hàng. Tránh bị thu hút bởi các sản phẩm giá quá rẻ mà không rõ nguồn gốc.
Người tiêu dùng nên mua sắm trên các nền tảng uy tín, tránh cung cấp thông tin cá nhân quan trọng cho bên thứ ba; Phản ánh ngay với sàn thương mại điện tử khi gặp phải sản phẩm không đúng cam kết.
Tình trạng sản phẩm kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây tổn hại đến sự phát triển của lĩnh vực này. Để giải quyết triệt để vấn đề, cần sự phối hợp từ cả ba phía: nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử, và chính người tiêu dùng. Đồng thời, việc thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật và tăng cường giám sát từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ là yếu tố then chốt để xây dựng lại lòng tin, hướng đến một môi trường thương mại điện tử minh bạch và bền vững.