Siết chặt quản lý chất lượng sầu riêng
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 1/2025, ngành rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu 416 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng 12/2024 và giảm 5,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do xuất khẩu sầu riêng sụt giảm khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý chất lượng sầu riêng từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến tiêu thụ để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu.

Thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh NGUYỄN SỰ)
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 3,21 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2023; chiếm 44,94% tổng trị giá xuất khẩu của toàn ngành rau quả.
Liên tục xuất hiện các yêu cầu mới
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vina Fruit) Đặng Phúc Nguyên cho biết, sầu riêng hiện là loại trái cây xuất khẩu chủ lực của ngành hàng rau quả với thị trường trọng điểm là Trung Quốc. Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 4% về trị giá so với năm 2023. Năm 2024, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đạt mức 4.957 USD/tấn, giảm 4,9% so với năm 2023. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam và Philippines giảm, nhưng giá bình quân nhập khẩu từ Thái Lan tăng.
Về cơ cấu nguồn cung, năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan đạt 809.880 tấn, trị giá hơn 4 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với năm 2023. Ngược lại, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 49,4% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2023, đạt 736.720 tấn, trị giá 2,94 tỷ USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục điều chỉnh tiêu chuẩn xuất khẩu đối với sầu riêng. Cuối năm 2024, đầu năm 2025, Trung Quốc bắt đầu kiểm nghiệm chất cấm auramine O (hay còn gọi là chất vàng ô) trên sầu riêng, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không kịp xoay xở dẫn đến tình trạng một số container sầu riêng bị trả về. Trước đó, Trung Quốc cũng đã yêu cầu kiểm dịch đối với chất cadimi trên sầu riêng xuất khẩu. Như vậy, ngoài các yêu cầu về chất lượng theo Nghị định thư đã ký kết, hằng năm thị trường này có thể bổ sung các yêu cầu mới về kiểm dịch thực vật, thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật và thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Đối với sầu riêng đông lạnh, từ tháng 8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, các doanh nghiệp đang hoàn thiện các yêu cầu từ phía Trung Quốc đối với sản phẩm đông lạnh xuất khẩu. Do sầu riêng đông lạnh có giá trị kinh tế rất lớn nên các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi xuất hàng để phòng tránh rủi ro.
Còn theo Vina Fruit, do sầu riêng đông lạnh chế biến từ sầu riêng tươi, cho nên cũng phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn nguyên liệu. Tuy vậy, một thực tế diễn ra trong thời gian qua là việc các vùng trồng đã được cấp mã số chưa chủ động thực hiện giám sát, cập nhật nhật ký điện tử trên hệ thống phần mềm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Tình trạng ủy quyền mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói khó kiểm soát; doanh nghiệp thuê kho hết thời hạn, thay đổi địa điểm nhưng không thông báo với cơ quan quản lý.
Ngoài ra nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói không duy trì các điều kiện theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như: việc sản xuất, đóng gói không đúng quy trình, không thực hiện nhật ký canh tác, nhật ký mua-bán... cho nên việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ cao ảnh hưởng đến chất lượng các lô hàng xuất khẩu.
Tăng cường quản lý từ địa phương
Tỉnh Tiền Giang hiện có diện tích trồng sầu riêng hơn 24.500 ha, sản lượng đạt khoảng 458.000 tấn. Tỉnh đã được cấp 155 mã số vùng trồng, với diện tích gần 7.000 ha; 65 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc. Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết: Thời gian qua, ngành chuyên môn của tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế các vùng trồng xin cấp mã số và giám sát các mã số vùng trồng; hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý mã số vùng trồng đúng quy định, phân công, phân cấp rõ ràng. Ngoài ra, đoàn liên ngành của tỉnh cũng kiểm tra việc sử dụng mã số vùng trồng, tình hình liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; kiên quyết đề nghị tạm dừng, thu hồi hoặc hủy mã số các vùng trồng không tuân thủ yêu cầu, điều kiện.
Đối với vấn đề kiểm soát chất lượng, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, ngành chức năng tỉnh đã liên tục kiểm tra các vườn cây ăn trái, các vựa và các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng khi có thông tin sản phẩm sầu riêng có nhiễm chất cadimi và vàng ô. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp mã số để bảo đảm quy trình canh tác an toàn, sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.
Bà Nguyễn Như Thủy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Như Thủy Tiên (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, công ty là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch lớn của tỉnh Tiền Giang. Hiện, nguồn sầu riêng không nhiều và việc xuất khẩu chưa ổn định, cho nên mỗi ngày công ty thu mua khoảng 30 tấn để xuất khẩu đi các thị trường Hồng Công (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong thời gian qua gặp vấn đề về chất lượng chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà chưa quan tâm thật sự đến chất lượng. Để ngành sầu riêng phát triển nhanh, bền vững, các cơ quan chức năng cần tăng cường cập nhật, hướng dẫn cho các vùng trồng, doanh nghiệp về yêu cầu, quy định chất lượng sản phẩm để bảo đảm hàng hóa sản xuất ra đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Tại tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm cuối năm 2024, diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 33.000 ha, chiếm 51% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh. Các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhân dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, HACCP, ISO:22.000...; tích cực xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật; nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bảo đảm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.
Tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định tại Nghị định thư về sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc... Đồng thời, ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, không để ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/siet-chat-quan-ly-chat-luong-sau-rieng-post861216.html