Tác động của việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine với kinh tế châu Âu
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính rằng một lệnh ngừng bắn hạn chế đối với xung đột Nga-Ukraine có thể giúp GDP khu vực đồng euro tăng 0,2%, trong khi một nền hòa bình thực sự và lâu dài có thể nâng sản lượng lên 0,5%.

Cảnh đổ nát trong xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Reuters/TTXVN
Không có gì ngạc nhiên khi tác động kinh tế của việc kết thúc xung đột Ukraine sẽ phụ thuộc vào loại thỏa thuận đạt được. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng việc chấm dứt giao tranh, dù chỉ là tạm thời hoặc mang tính chính trị gây tranh cãi, cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế.
Tác động rõ ràng nhất của bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ là việc giảm giá năng lượng, do sự gia tăng nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga vào Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng này đã phản ánh trong dữ liệu thực tế. Chỉ số tiêu chuẩn giá khí đốt của châu Âu (TTF), đã giảm khoảng 14% kể từ khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố vào ngày 12/2 rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột sẽ bắt đầu "ngay lập tức".
Các chuyên gia nhận định rằng việc giá năng lượng giảm có thể giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát trên toàn khu vực, từ đó tạo điều kiện để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh dạn hơn trong việc cắt giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư vốn đang ở mức thấp tại EU.
Goldman Sachs ước tính rằng một thỏa thuận hòa bình "toàn diện và đáng tin cậy" có thể giảm lạm phát khu vực đồng euro xuống 0,5 điểm phần trăm, đúng bằng khoảng cách giữa mục tiêu 2% của ECB và mức lạm phát hiện tại của khu vực này là 2,5%.
Ngoài ra, việc kết thúc cuộc xung đột kéo dài ba năm có thể thúc đẩy tăng trưởng EU: niềm tin tiêu dùng sẽ hồi phục, đầu tư kinh doanh tăng vọt và giá cổ phiếu châu Âu sẽ tăng. Tương tự như giá khí đốt, tác động lên thị trường chứng khoán cũng đã được ghi nhận.
Quá trình tái thiết Ukraine cũng sẽ mang lại cơ hội kinh doanh ổn định cho các công ty châu Âu, bao gồm mở rộng thị trường nhập khẩu và xuất khẩu. Điều này có thể lớn hơn tác động tiêu cực đến thị trường lao động châu Âu khi người tị nạn Ukraine trở về nước.
Tổng thể, Goldman Sachs ước tính rằng ngay cả một "lệnh ngừng bắn hạn chế" cũng có thể giúp GDP khu vực đồng euro tăng 0,2%, trong khi một nền hòa bình lâu dài có thể nâng tổng sản lượng lên tới 0,5%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất ổn đáng kể. Theo một phân tích gần đây của Ngân hàng Danske, nếu một thỏa thuận bất lợi được ký kết giữa Mỹ và Nga mà không có sự tham vấn với châu Âu và Ukraine, EU sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng mạnh chi tiêu quân sự và Nga cũng sẽ có khả năng làm điều tương tự.
Điều này có thể làm gia tăng đáng kể lo ngại thị trường về một cuộc chiến toàn diện giữa EU và Nga, làm suy yếu bất kỳ sự gia tăng nào trong niềm tin của nhà đầu tư.
Đáng lo ngại hơn, Danske Bank ước tính khả năng xảy ra một thỏa thuận khó chấp nhập (với châu Âu và Ukraine) là 50% – cao hơn 20 điểm phần trăm so với xác suất của một "thỏa thuận chấp nhận được", trong đó Kiev nhận được các bảo đảm an ninh đầy đủ và Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cao cho châu Âu và Ukraine.
Nghiên cứu của Danske Bank cũng được công bố trước khi Tổng thống Trump đổ lỗi cho Kiev vì bắt đầu cuộc chiến. Danske Bank cảnh báo rằng việc EU tăng cường tái vũ trang trong kịch bản này gần như chắc chắn sẽ xóa bỏ các lợi ích kinh tế từ giá năng lượng thấp hơn.
Dĩ nhiên, tất cả các dự đoán trên đều cần được xem xét cẩn trọng. Không chỉ vì các dự báo kinh tế vốn đã khó khăn ngay cả trong những thời điểm tốt nhất, mà sự khó đoán của Tổng thống Trump, cùng với bản chất mâu thuẫn của nhiều chính sách của ông, càng làm cho những dự báo này trở nên phức tạp hơn. (Chẳng hạn, không có cách nào để dung hòa giữa tình yêu của Trump với thuế quan và mong muốn của ông về một đồng USD yếu hơn).
Việc kết hợp tác động ước tính của thuế quan với ảnh hưởng của một lệnh ngừng bắn ở Ukraine chỉ làm tăng thêm mức độ bất định, theo nhiều nhà phân tích.
Vì lý do này, các tổ chức châu Âu cho đến nay vẫn chưa công bố dự báo của riêng họ về vấn đề này. "Đánh giá tổng thể về tác động của các cuộc chiến thương mại và một lệnh ngừng bắn tiềm năng là cực kỳ phức tạp", Pierre Gramegna, Giám đốc cơ chế ổn định châu Âu, cho biết.