Siết chặt quản lý giá cước vận tảiTin khácBáo chí Lạng Sơn tiếp tục đổi mới, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnhPhát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo

Thời gian qua, giá xăng, dầu liên tiếp tăng cao. Để cân đối doanh thu, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã tăng giá cước. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thực hiện tăng giá không đúng quy trình thủ tục, thực hiện thu phí cao hơn giá niêm yết, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.Hiện Sở GTVT Lạng Sơn đang quản lý 10 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định với 178 phương tiện khai thác 95 tuyến gồm 8 tuyến nội tỉnh và 87 tuyến liên tỉnh. Số đơn vị đã thực hiện kê khai lại giá vé từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022 chỉ có 2/10 đơn vị.

Đầu tháng 4/2022, Đội Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) số 3, thuộc Thanh tra GTVT, Sở GTVT tỉnh tiếp nhận phản ánh của ông L.M.L về việc bị nhà xe thu phí vượt giá niêm yết. Cụ thể, khi ông L di chuyển bằng xe khách mang biển kiểm soát 36B-004.xx (thuộc doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa), đi từ bến xe Phía Bắc đến huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chủ xe đã thu của ông L 350.000 đồng. Trong khi đó, mức giá niêm yết chỉ là 190.000 đồng. Qua điều tra xác minh, Đội Thanh tra GTVT số 3 xác nhận sự việc trên là có thật. Đơn vị đã tiến hành xử phạt (mức 700.000 đồng) đối với chủ xe.

Bên cạnh các trường hợp nhà xe thu vượt so với giá niêm yết đối với hành khách bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, còn không ít trường hợp cũng gặp phải tình trạng tương tự nhưng không phản ánh. Điển hình là trường hợp của anh Ma Duy Dên, trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Anh Dên cho biết: Tôi là công nhân mỏ làm việc tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Cách đây khoảng 1 tháng, đi xe khách từ bến xe Phía Bắc đến thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, nhà xe đã thu của tôi 150.000 đồng. Trong khi đó, mức giá trên tuyến này được nhà xe niêm yết chỉ là 80.000 đồng. Do sợ mất nhiều thời gian giải quyết, tôi không trình báo sự việc trên lên cơ quan chức năng.

Trên đây chỉ là 2 trong số những trường hợp hành khách bị thu giá cước sai quy định mà chúng tôi tìm hiểu được. Hiện nay, tại nhiều tuyến cố định, các nhà xe thực hiện “niêm yết giá một đằng, thu một nẻo”. Không chỉ tuyến Lạng Sơn – Quảng Ninh mà tại các tuyến liên tỉnh khác như: Lạng Sơn – Hà Nội, Lạng Sơn – Thái Nguyên…, các chủ xe, doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đều tăng giá vé từ 50 đến 80% so với giá niêm yết. Bên cạnh đó, khi hành khách gửi hàng hóa, các nhà xe cũng thu cao hơn so với thông thường từ 20 đến 30% tùy thuộc vào khối lượng, loại hàng hóa.

Đơn cử như tuyến xe cố định Lạng Sơn – Thái Nguyên, mức giá niêm yết hiện tại của các xe là 90.000 – 100.000 đồng, tuy nhiên, mức thu thực tế của nhiều nhà xe hiện nay là 150.000 đồng/lượt khách. Tuyến Lạng Sơn – Hà Nội các nhà xe thu từ 150.000 đến 170.000 đồng/lượt/khách…

Hành khách di chuyển hoặc gửi hàng hóa bằng xe khách đều chịu cước phí cao hơn

Hành khách di chuyển hoặc gửi hàng hóa bằng xe khách đều chịu cước phí cao hơn

Theo quy định, để điều chỉnh tăng giá cước các tuyến cố định phù hợp với biến động tăng của giá nhiên liệu, đơn vị doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định phải thực hiện kê khai giá và gửi các đơn vị liên quan như: Sở GTVT; Sở Tài chính; Cục Thuế để quản lý giá. Khi bảng kê được các sở, ngành chấp thuận, các doanh nghiệp phải thực hiện in vé và niêm yết công khai và thu giá vé đối với hành khách theo đúng giá được cơ quan Nhà nước chấp thuận. Kể cả trong trường hợp giá xăng, dầu tăng nhưng các đơn vị doanh nghiệp không kê khai lại thì vẫn phải thu theo đúng giá niêm yết trước đây đã kê khai gửi các sở, ngành chức năng của tỉnh.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù giá xăng, dầu tăng cao nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn không điều chỉnh, kê khai lại giá vé và tự ý tăng giá cước trong khi chưa thực hiện thủ tục trên.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu một số đơn vị có nhiều đầu xe hoạt động tuyến cố định nhằm xác minh thông tin. Bà Triệu Thị Thu Phượng, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Đoàn Kết, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đúng là có việc các nhà xe thu tăng giá vé tuyến cố định và phổ biến tăng ở mức 50%, ví dụ theo giá niêm yết trước đây thu của hành khách đi tuyến Lạng Sơn – Hà Nội các nhà xe thu 100.000 đồng/người/lượt thì từ đầu năm 2022 đến nay, mức thu cùng tuyến nêu trên là 150.000 nghìn đồng/người/lượt. Lý do nhà xe thu tăng so với giá niêm yết là do giá xăng, dầu tăng cao và sau dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân còn thưa thớt không đủ chi phí. Liên quan đến nguyên nhân đơn vị chưa thể kê khai lại giá vé tuyến cố định, bà Phượng cho biết thêm: Khi các thành viên trong đơn vị thống nhất điều chỉnh tăng nhưng cứ vài ngày đến một tuần lại tăng giá xăng, dầu một lần khiến đơn vị chưa thể theo kịp. Chẳng hạn lần tăng gần đây nhất, đơn vị vừa kê khai xong chuẩn bị gửi các sở, ngành thì giá xăng, dầu lại tăng tiếp khiến đơn vị không trở tay kịp. Hơn nữa, mỗi lần kê khai mất rất nhiều thời gian và chi phí, do đó các thành viên đề nghị lãnh đạo hợp tác xã chờ cho giá xăng, dầu ổn định sẽ thực hiện kê khai lại giá.

Không chỉ Hợp tác xã Vận tải Đoàn Kết, nhiều đơn vị khác cũng đồng quan điểm trên. Bà Hoàng Thu Hương, Trưởng bến xe Phía Bắc, thuộc địa bàn huyện Cao Lộc cho biết: Hiện tại, có gần 200 xe hoạt động tại bến, tuy nhiên, mới chỉ có dưới 10% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định hoạt động trong bến đang trong quá trình làm thủ tục xin điều chỉnh giá cước. Chúng tôi đã trao đổi thực tế với hầu hết các nhà xe hoạt động tại bến để làm rõ lý do tại sao họ lại không thực hiện tăng cước. Qua trao đổi, hầu hết nhà xe cho rằng việc giá nhiên liệu tăng “phi mã” như hiện nay, việc điều chỉnh cước sẽ phải thực hiện nhiều lần để phù hợp. Vì thế, các nhà xe này cho rằng việc hoàn thiện thủ tục xin tăng cước sẽ mất nhiều thời gian, chi phí nên chưa thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong thời gian qua, sở đã nhận được một số phản ánh từ người dân về hiện tượng các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định tự ý thu tăng giá vé của khách chưa đúng so bản kê khai giá mà các đơn vị đã đăng ký với Sở GTVT và Sở Tài chính. Trước thực tế trên, sở đã chỉ đạo Thanh tra GTVT kiểm tra xác minh và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 nhà xe theo quy định hiện hành. Thực tế trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực vận tải, sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai lại giá vé cho phù hợp với diễn biến giá xăng, dầu tăng. Tuy nhiên, do liên Bộ Tài chính – Công Thương liên tục điều chỉnh tăng giá xăng, dầu theo thế giới khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong việc kê khai lại giá. Về vấn đề này, sở đang tiếp tục chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định kê khai lại theo đúng quy định hiện hành trong thời gian tới.

Hiện nay, giá cả mặt hàng xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành khác và đời sống của người dân. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của hành khách cũng như công khai, minh bạch đối với việc thu giá cước, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định cần nghiêm túc thực hiện kê khai lại giá cước theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, những người dân có nhu cầu đi lại sẽ sẵn sàng chi trả giá vé xe theo đúng bảng kê của đơn vị đã đăng ký và được Nhà nước chấp thuận. Từ đó, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên theo đúng quy định của Nhà nước.

TRANG NINH - GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/508422-siet-chat-quan-ly-gia-cuoc-van-tai.html