Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng qua đường 'xách tay'
Theo Ban chỉ đạo 389 nhận định, hiện nay tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng 'xách tay' chưa được kiểm soát nên đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái lưu hành. Bộ Y tế đang lên kế hoạch để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này.
Thực phẩm chức năng ngày một lộng hành. Ảnh minh họa.
Đứng trước tình trạng, trong thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe như... Bộ Y Tế đã công khai các thông tin liên quan đến đình chỉ, thu hồi thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.
Theo đó, Bộ đã ban hành các công văn thu hồi số sản phẩm mỹ phẩm, thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường và công bố sản phẩm mỹ phẩm được cập nhật liên tục trên Website của Cục Quản lý Dược, Tạp chí Dược...
Thực hiện theo quy định của pháp luật về việc công bố công khai các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành 36 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, thực hiện công bố công khai trên website của Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) theo quy định.
Nội dung công bố công khai bao gồm: Tên và địa chỉ của tổ chức/cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp không thừa nhận các quảng cáo đó là do doanh nghiệp đăng thì Bộ Y tế đăng thông tin trên trang website của Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để thông báo đến người tiêu dùng biết tránh mua sản phẩm đó trên các trang website đã nêu.
Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trên nhưng tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng vẫn ra sức lộng hành bằng nhiều hình thức khác nhau, điển hình như việc "xách tay" để tránh việc kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2012 của Chính phủ, Quyết định số 05/CĐ-BCĐ389 ngày 23/9/2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền... và nhiều sản phẩm khác.
Bộ Y tế yêu cầu các ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan như công an, thị trường, hải quan… trong công tác kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Công Thương (Quản lý thị trường, quản lý thương mại điện tử) thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về quảng cáo, hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng xách tay, bán hàng onlne vi phạm, xử lý các đơn vị phát hành quảng cáo sai quy định v.v...
Ngoài ra phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan phát hành quảng cáo, yêu cầu chỉ quảng cáo cho các sản phẩm đã được thẩm định nội dung và quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.