Ồn ào nghệ sĩ quảng cáo cờ bạc: Không được phép dễ dãi!
Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi nổ ra ồn ào ca sĩ Khánh Phương và Châu Khải Phong xuất hiện trong clip quảng cáo cho một nền tảng cờ bạc trực tuyến cùng nhân vật tên Bảo Lasvegas.
Oan hay không oan?
Cụ thể, trong một clip được lan truyền trên mạng xã hội, nội dung trò chuyện của Khánh Phương, Châu Khải Phong và người đàn ông được giới thiệu là Bảo Lasvegas đã bị tắt tiếng, thay vào đó là các đoạn nhạc đã được lồng ghép. Ngoài ra, trên video còn xuất hiện các dòng tên một trang web và số điện thoại.
Trong một video khác, Khánh Phương nói: “Các bạn hỏi anh có biết Bảo Lasvegas là ai không? Các bạn nói về em với sự ngưỡng mộ. Em đã có thành công trong lĩnh vực của em”.
Sau đó, người đàn ông bên cạnh giới thiệu về bản thân cũng như một nền tảng cờ bạc trực tuyến. Người này cũng kêu gọi mọi người cùng tham gia đầu tư trên nền tảng này. “Baccarat không chỉ là trò chơi may rủi. Đối với anh em mình, khi đã đầu tư kiếm được lợi nhuận từ nó thì đây là bộ môn đầu tư dài hạn anh nhé”, Bảo Lasvegas nói.
Khánh Phương gật gù lắng nghe sau đó nói thêm: “Khi em thành công ở một lĩnh vực nào đó, đã có kinh nghiệm, định hình hướng đi tốt thì việc chia sẻ với mọi người là điều tốt mà”.
Thời điểm clip được chia sẻ rầm rộ, cả hai nghệ sĩ đều khẳng định đây là hành vi cắt ghép và vu khống làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của họ. “Sự việc đã được tôi chuyển giao cho luật sư để thu thập bằng chứng. Những cá nhân vu khống tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đã gây ra”, Khánh Phương và Châu Khải Phong đưa ra tuyên bố giống nhau. Song, cả hai đều không đưa ra tuyên bố chính thức rằng họ có kiện hoặc trình báo về hành vi của phía Bảo Lasvegas với cơ quan quản lý hay không?
Đến đầu tháng 1/2025, khi phóng viên liên hệ để hỏi về việc: “Vụ việc trên đã được hai nghệ sĩ xử lý đến đâu?”, ca sĩ Khánh Phương không phản hồi, còn đại diện Châu Khải Phong cho biết: “Nam ca sĩ đã lên tiếng một lần trước đó và không muốn chia sẻ gì thêm”.
Hành động này của hai nghệ sĩ gây tò mò, bởi nếu hai nghệ sĩ bị oan, việc có động thái rõ ràng, quyết liệt khi bị vu khống vào hành vi vi phạm pháp luật là điều nên làm. Hơn nữa, luật pháp cũng đã có chế tài để bảo vệ danh dự, uy tín của người bị hại.
Theo thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, pháp luật nghiêm cấm các hành vi Đánh bạc trái phép và Tổ chức đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức. Chính vì thế, đây là loại hình cấm quảng cáo theo khoản 1 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012. Trong trường hợp có sự xuất hiện của nghệ sĩ trong các clip quảng cáo cờ bạc trái phép, cần xác minh, làm rõ mức độ liên quan của họ đối với hoạt động này để xác định rõ mức độ vi phạm (nếu có).
“Nếu hình ảnh những người nổi tiếng bị chỉnh sửa, cắt ghép, lợi dụng để quảng cáo, những người bị xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ các đối tượng để xử lý theo quy định, đồng thời cải chính thông tin, yêu cầu các trang web gỡ hình ảnh của mình để tránh ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Người bị xâm phạm hình ảnh có quyền kiện người xâm phạm ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có, đồng thời gỡ bỏ những clip, hình ảnh không đúng sự thật.
Trong trường hợp các nghệ sĩ biết rõ việc quay clip có liên quan hoặc nhằm mục đích để quảng cáo cho trang web đánh bạc trực tuyến thì hành vi này sẽ bị xử phạm vi phạm hành chính theo Nghị định số 38 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể, phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định số 38 của Chính phủ.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này”, luật sư Giang phân tích.
Cũng đã có những sự mạo danh…
Trước Khánh Phương và Châu Khải Phong, NSND Thanh Nam cũng bức xúc khi một tài khoản mạng xã hội có tên Bảo Lasvegas tự ý sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo cho trang web cờ bạc. Ông khẳng định: “Thanh Nam không quảng cáo các trang cờ bạc bịp. Nếu làm sai, tôi sẽ bị tước danh hiệu NSND”.
Mới đây nhất, ca sĩ Siu Black cũng bức xúc khi một thẩm mỹ viện có địa chỉ ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh sử dụng hình ảnh của chị để quảng cáo, dù cả hai đã kết thúc hợp đồng hợp tác cách đây 5-6 năm. “Việc các bạn lấy hình ảnh, uy tín của Siu Black để đánh lừa khán giả, trục lợi kinh doanh là vi phạm pháp luật. Tôi đã gửi đơn lên Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và họ sẽ xử lý theo đúng quy trình của pháp luật”, quản lý của Siu Black tuyên bố.
Hàng loạt nghệ sĩ như hoa hậu Thùy Tiên, ca sĩ Tóc Tiên, MC Quyền Linh, Lý Hải - Minh Hà, Thủy Tiên, Ninh Dương Lan Ngọc… cũng từng phải lên tiếng đính chính khi bị mạo danh để trục lợi trên mạng xã hội.
Không chỉ mạo danh hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo, bán hàng kém chất lượng, kẻ gian còn lợi dụng uy tín của nghệ sĩ để lừa đảo khán giả. Hồi tháng 10/2024, diễn viên Khôi Trần phải cảnh báo khi bị đối tượng xấu sử dụng công nghệ AI giả mạo hình ảnh, giọng nói và gọi video để lừa đảo số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo diễn viên, có đối tượng tên N.V.S đã sử dụng hình ảnh của anh và lập tài khoản Facebook giả mạo để lừa đảo. Đối tượng này sử dụng công nghệ AI giả mạo hình ảnh, giọng nói và gọi video (video call) để tạo dựng niềm tin của các nạn nhân, sau đó lừa nạn nhân chuyển tiền. Sau khi lấy tiền thành công, kẻ lừa đảo chặn tài khoản mạng xã của các nạn nhân. Một số nạn nhân tưởng rằng đó là tài khoản thực của nam diễn viên nên có những lời lẽ xúc phạm nặng nề.
Cùng thời điểm, phía Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng “tá hỏa” và phải lên tiếng đính chính khi bị một fanpage trên Facebook mạo danh để tổ chức chương trình “Cuộc thi kịch bản dành cho trẻ em 2024”.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đối với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu”, “giả mạo nghệ sĩ”, các đối tượng sẽ lập nhiều fanpage, trang mạng xã hội giả mạo rất tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện giống hệt các trang web chính thức của các thương hiệu nổi tiếng. Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, sản phẩm với tên, logo của các thương hiệu uy tín, đồng thời cắt ghép hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Các bài đăng lừa đảo này thường có nội dung vô cùng hấp dẫn như khuyến mãi, giảm giá mạnh, sản phẩm giá siêu rẻ so với thị trường... nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Sau đó các đối tượng lừa đảo sẽ gửi các đường dẫn, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Theo luật sư Hương Giang, luật pháp đã có chế tài rõ ràng với các hành vi mạo danh người khác: Trong trường hợp cá nhân có hành vi mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự̣ thì có thể bị phạt từ 2.000.000-3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc sẽ bị trục xuất nếu là người nước ngoài.
Trong trường hợp cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Trong trường hợp đối tượng mạo danh nghệ sĩ, người nổi tiếng để lừa chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.
Tùy từng tính chất, mức độ, hành vi thì mức phạt của tội danh này có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất có thể lên đến 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Ngoài ra, người phạm tội phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho bị hại", luật sư phân tích thêm.
Nghệ sĩ cần chuyên nghiệp, tỉnh táo hơn
Trở lại trường hợp của ca sĩ Khánh Phương, Châu Khải Phong, thực tế, nếu đủ tỉnh táo, không khó phân biệt chất lượng sản phẩm định quảng cáo hoặc nguy cơ rủi ro pháp lý từ đối tác sẽ ký hợp đồng quảng cáo.
Đã có không ít nghệ sĩ như NSND Trần Nhượng, NSND Quốc Anh, NSND Lan Hương… từng “nói không” với những quảng cáo mà họ chưa rõ nguồn gốc, độ tin cậy nhằm đảm bảo lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng. Rõ ràng, so với cátsê quảng cáo không hề nhỏ, đây là nguyên tắc quan trọng, cần thiết và là trách nhiệm của nghệ sĩ khi “thương mại hóa” hình ảnh cá nhân.
Chính ca sĩ Khánh Phương cũng tuyên bố: “Tôi không bao giờ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Những gì tôi đã xây dựng bằng cả một đời người, sao lại để mất bằng một vài trăm triệu, một vài tỷ”. Thế nhưng, khi nhận lời quay vlog, ca sĩ nói anh không biết đối tác - tức nhân vật Bảo Lasvegas là ai và cũng không liên quan gì đến công việc của người này.
Khi được hỏi về thỏa thuận trong hợp đồng với phía Bảo Lasvegas, nam ca sĩ tiết lộ: “Khi nhận công việc này, tôi nghĩ đơn giản nên nhận lời quay và làm đúng kịch bản được đưa cho. Cả hai bên không có hợp đồng. Đa số các công việc tôi đều có hợp đồng. Nhưng những chỗ quen, những đơn vị họ muốn nhanh chóng, không quan trọng hợp đồng thì chúng tôi vẫn linh hoạt. Đương nhiên vấn đề thuế tôi vẫn chấp hành đầy đủ”.
Thực tế, nhiều người nổi tiếng lâu nay vẫn có thói quen làm việc theo quan hệ thân quen hoặc trực tiếp làm việc với nhãn hàng, đôi khi chỉ dừng lại ở “hợp đồng miệng”. Trong khi chính nghệ sĩ chưa chắc đã có đủ chuyên môn, nghiệp vụ để đánh giá sản phẩm hay mức độ rủi ro.
Những ồn ào vừa qua là bài học cảnh tỉnh với nghệ sĩ, những người làm trong hoạt động quảng cáo. Nếu nghệ sĩ không tìm hiểu rõ hoặc có sự tỉnh táo, nhạy bén mà “mắt nhắm mắt mở” nhận lời vì mục đích tài chính, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.